Nên xóa bỏ bao cấp trong học phí đại học

ANTĐ - Thu học phí đồng đều đang được phản ánh là rào cản đối với yêu cầu bứt phá của những trường được giao tự chủ tài chính và đã cắt giảm toàn bộ chi phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Từ đó, việc tính học phí đại học theo hướng thu đủ bù chi thay vì hỗ trợ của nhà nước như hiện nay đang được bàn đến.


Khó vượt trội với mức học phí “đổ đồng”

Chủ trương giao quyền tự chủ tài chính cho một số trường đại học công lập uy tín là nhằm tạo cơ chế cho các cơ sở này phát huy các tiềm năng về cơ sở vật chất, tài sản đội ngũ giáo viên để mở rộng quy mô đào tạo. Mặt khác đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tăng nguồn tài chính cho nhà trường để tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cán bộ giáo viên. Cách làm này đang được khuyến khích để tạo nên những phát triển vượt bậc trong giáo dục đại học theo hướng xã hội hóa, tránh tình trạng “dàn hàng ngang” như hiện nay.

Tuy nhiên, GS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, một trong những trường tiên phong của mô hình này cho biết, trong khi trường đã thực hiện cắt giảm toàn bộ chi phí chi thường xuyên từ nhà nước thì việc tìm nguồn thu bù đắp đối với hoạt động dạy và học của trường gặp khá nhiều khó khăn do mức học phí không được thay đổi so với quy định chung.

Thay vì phải thực hiện theo khung học phí quy định, GS. Hoàng Văn Châu cho rằng, đối với những trường đại học công lập có uy tín, thực hiện tự chủ tài chính hiện nay cần được hưởng quy định học phí như đang áp dụng với các trường đại học thuộc doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào chi phí đào tạo, các cơ sở này chủ động xây dựng mức học phí cho các nhóm ngành theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo trình Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cho phép.

Từng bước tính học phí thu đủ bù chi

Phân tích về cách tính học phí bậc đại học hiện nay, TS. Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp-Bộ Tài chính cho biết, với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, hỗ trợ cho người học đại học nên học phí chưa được xác định là giá dịch vụ đào tạo và chỉ là sự chia sẻ chi phí giữa người học và cơ sở đào tạo công lập. Do đó, học phí mới đáp ứng một phần chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ đào tạo đại học. Điều này đang gây ra hạn chế trong việc phát triển hệ đào tạo này, ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cũng theo TS. Nguyễn Trường Giang, không thể áp dụng chung cách tính học phí giữa đại học với phổ thông. Với giáo dục phổ thông, là giáo dục phổ cập, người học được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bù đắp chi phí đào tạo trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, bậc học đại học lại có tính chất khác. Người học đại học để có nghề, tạo thu nhập kiếm sống nên người học phải đóng đủ học phí. Với việc tính học phí đủ chi phí đào tạo, GS. Hoàng Văn Châu cũng thừa nhận rằng không thể tăng ngay một lúc mà phải thực hiện theo lộ trình hợp lý, tránh gây sốc cho xã hội. TS. Nguyễn Trường Giang kiến nghị việc triển khai chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ, từng bước tính đủ học phí theo lộ trình.

Trong đó, giai đoạn 1, trường đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định. Giai đoạn 2, trường đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí. Bên cạnh việc thay đổi cách tính học phí, việc phân bổ ngân sách nhà nước sẽ được tính theo hướng tránh dàn trải, tập trung vào hỗ trợ cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách, tài năng và vào các ngành đào tạo có nhu cầu cao, theo đặt hàng của nhà nước...