Nên tự trách mình

(ANTĐ) - Dạo này, công luận thật sự “giật mình” về sự thất thế trong buôn bán, làm ăn với nước láng giềng Trung Quốc. Biểu hiện rõ ràng nhất là tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng gia tăng cả về trị giá và tốc độ.

 Cách đây 10 năm, năm 2001 chỉ nhập siêu trên 200 triệu USD. Đến năm 2010, mức nhập siêu vọt lên tới 12,7 tỷ USD. Hàng Trung Quốc “thoải mái” tràn vào nước ta qua bất cứ cửa khẩu nào, chính ngạch, tiểu ngạch, đường bộ, đường biển, đường không. Còn hàng Việt Nam xuất sang họ bị buộc phải qua một số cửa khẩu được chỉ định. Họ còn đơn phương đề ra những điều oái oăm, thay đổi xoành xoạch khiến ta nhiều phen điêu đứng.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp nước ta luôn “kêu trời” khi xuất khẩu hàng nông sản như vải thiều, dưa hấu cho đến mủ cao su, cà phê, hạt tiêu, điều sang Trung Quốc. Theo dự báo của hải quan cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn lượng vải tươi năm nay xuất sang bên kia biên giới tăng gấp đôi năm 2010.

Trong 5 tháng đầu năm nay, mủ cao su xuất đi tăng khoảng 61%. Phía Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh mua từ sắn lát khô, tinh bột sắn, gạo, lạc, vừng, nhân điều, chè sơ chế, hải sản. Hàng đoàn xe tải lớn đang nối đuôi nhau chạy lên phía biên giới phía Bắc. Giờ đây tư thương Trung Quốc lùng sục khắp từ Bắc chí Nam, len lỏi vào tận vườn cây, vựa lúa, trại chăn nuôi, ao bè thả cá, mua gom theo kiểu vơ vét hầu như tất cả mọi loại hàng nông sản.

Điều đặc biệt không biết nên mừng hay nên lo, là tư thương nước họ đều mua với giá cao hơn hẳn giá trong nước. Ngay tại đồng bằng sông Cửu Long, họ lùng mua cá tra, tôm sú, tôm thẻ, lợn nái, lợn sữa. Ở Tây Nguyên, họ mua gom cà phê, hồ tiêu bằng mọi giá. Tất nhiên là giá nông sản được đẩy lên đến mức “sững sờ” khiến cho cả nhà nông lẫn doanh nghiệp đều “sướng ra mặt”. Chả phải chở đi đâu tốn kém.

Tưởng là “phúc” hóa ra “họa”. Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cảnh báo rằng, thương nhân Trung Quốc mua giá cao chỉ là tức thời nên đã phá vỡ quy hoạch sản xuất nước ta. Họ thường thu mua với giá cao hơn so với giá trong nước từ 10-30%. Chính hiện tượng thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua lợn nái, lợn sữa giá cao đã khiến cho thị trường thịt lợn nội địa mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như mục tiêu bình ổn giá.

Đã bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngồi lại với nhau, xem lại mình và tự trách mình? Vì sao trên sân nhà mình mà để hàng hóa họ lấn át, chèn ép? Chuyện tâm lý người tiêu dùng, chuyện chất lượng, giá cả và cung cách làm ăn khôn khéo, tinh ranh của họ sẽ bàn sau. Ở đây, phải chăng vì chính cung cách làm việc yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, thiếu chữ tín đối với khách hàng, nhất là đối với nông dân của giới doanh nghiệp trong nước.

Lâu nay đã thường xuyên diễn ra tình trạng tranh mua nguyên liệu từ mía đường, thủy sản, lúa gạo ngay giữa các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí cả trong cùng một hiệp hội đó sao? Chưa kể giữa doanh nghiệp và nông dân biết bao chuyện rắc rối về giá cả, hợp đồng, xù nợ.

Cần phải nói cho sòng phẳng, từ khi doanh nghiệp nước ngoài “đi chợ” ở Việt Nam, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng vọt. Nông dân không bị ép giá như trước, lại được cầm “tiền tươi”. Ngoài chuyện nước ta thiếu “hàng rào” kỹ thuật để bảo vệ sản xuất, trong nước giới doanh nghiệp cũng nên tự trách mình không biết khai thác triệt để các lợi thế trong Hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc.