Nền tảng tăng trưởng

ANTĐ - Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều hành rất quyết liệt, nên nửa cuối năm 2013 nhiều ngành kinh tế đã có sự bứt phá. Kết quả là tăng trưởng GDP đã đạt mức 5,4%, thay vì 5,2% như dự báo. So với dự kiến trước đây, sản lượng dầu và than khai thác cao hơn, một số ngành, lĩnh vực tăng khá. Tài chính ngân hàng do giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp nên 6 tháng cuối năm ngoái tăng mạnh; điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, học phí… là những yếu tố làm tăng trưởng GDP cao hơn dự báo. 

Năm 2014 được các chuyên gia dự báo là năm sẽ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chắc chắn có tác động mạnh nhằm tăng tốc phát triển để đạt mục tiêu đề ra. Về cơ bản, doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất năm 2013. Vì vậy, việc Chính phủ kiên định thực hiện các chích sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ là cơ hội lớn để phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 76.955, tăng 10,1% so với năm 2012, với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm ngoái. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như giải thể, dừng hoạt động trong năm 2013 đều tăng so với năm 2012.

Điều này cho thấy, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, các doanh nghiệp còn chịu sức ép lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cố trụ lại nhưng do khó khăn kéo dài, thị trường chưa thực sự khởi sắc nên đã buộc phải dừng hoạt động. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia, với mức “chạy lấy đà” của năm 2013, thì triển vọng doanh nghiệp năm nay được dự báo chưa phục hồi nhanh chóng, nhưng chắc chắn và bền vững hơn, tích lũy sức bật cho một giai đoạn phát triển mới.

Giới chuyên gia cho rằng, cơ hội lớn nhất của doanh nghiệp trong năm 2014 là sự ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách cơ chế ban hành trong năm 2013 đã vượt qua độ trễ về thời gian ban hành, thực hiện, phản hồi và điều chỉnh để có thể áp dụng trơn tru trong năm nay. Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng như trước đây. Cộng thêm cú hích tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ phá vỡ sợi dây trói buộc và tạo đột biến cho doanh nghiệp trong nước. 

Trong vòng quay của đầu tư, từ vốn đến sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, nếu Chính phủ không quyết liệt ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thì khả năng “trỗi dậy” trong năm nay sẽ khó đạt được, Nhà nước sẽ chẳng thể tái cơ cấu kinh tế khi chưa xác định chi phí phải bỏ ra. Theo một số chuyên gia, nếu Nhà nước chỉ lo tăng trưởng theo cách cứ bơm tiền như hiện nay, mà không lo các điều kiện nền tảng cho tăng trưởng thì thị trường sẽ quay lưng lại.