Nền tảng pháp lý cho giải quyết tranh chấp Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 có tác động, nhưng không thể lấy đó làm lý do để trì hoãn quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cần sớm nối lại cuộc đàm phán về bộ quy tắc này, qua đó góp phần kiềm chế hành động quân sự hóa Biển Đông, tạo ra một nền tảng pháp lý cho giải quyết tranh chấp, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 1-2020 ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã nhất trí cần sớm tái khởi động đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 1-2020 ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã nhất trí cần sớm tái khởi động đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc

COC là một chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc

Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan khai mạc vào hôm nay (9-9) theo hình thức trực tuyến, các quan chức đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của ASEAN cũng như các nước đối tác, đối thoại sẽ cũng bàn thảo các vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông.

Trả lời báo chí trước thềm AMM-53 và các hội nghị liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, nêu rõ COC là một ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc, do vậy đương nhiên sẽ được thảo luận trong khuôn khổ AMM-53 lần này. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, do đại dịch Covid-19, việc đàm phán COC đã bị ngừng lại thời gian qua.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, gần đây ASEAN và Trung Quốc đã có một số cuộc họp cấp làm việc, tuy không đi sâu bàn về nội dung được nhưng bàn về cách thức, mục tiêu và cách thức nối lại đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, tại AMM-53 và các hội nghị liên quan, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sẽ đề cập tới tiến trình đàm phán COC trong bối cảnh vẫn diễn ra đại dịch Covid-19, tái khởi động cuộc đàm phán COC vốn tiến triển khá chậm chạp thời gian qua.

Khi tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng nóng, trở thành một nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, ASEAN và Trung Quốc đã cùng ngồi lại đàm phán để đi đến ký kết Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, một thỏa thuận được đánh giá mang tính đột phá giữa hai bên vào thời điểm đó.
Theo đó, DOC kêu gọi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, do chỉ mang tính khuyến nghị và kêu gọi nên DOC ngày càng tỏ ra không hiệu quả trong việc ngăn ngừa các hành vi dùng sức mạnh gây áp lực, căng thẳng, thực hiện các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, trong đó đáng lo ngại nhất là các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan, thực hiện quân sự hóa Biển Đông.

Do vậy, ASEAN tích cực thúc đẩy COC với những cam kết mang tính ràng buộc hơn DOC nhằm ngăn ngừa xung đột, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Sau thời gian dài thuyết phục trên nhiều diễn đàn, phải đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu đàm phán với ASEAN về COC.

Cần sớm nối lại đàm phán COC

Và cũng phải trải qua một quá trình dài, không dễ dàng, tới tháng 3-2018, ASEAN và Trung Quốc mới hoàn tất được giai đoạn đàm phán COC đầu tiên và dự kiến tiến hành giai đoạn hai đàm phán về bộ quy tắc này từ đầu năm 2020. Là một sự tiếp nối của DOC, COC được kỳ vọng là bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với các bên liên quan, qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 12-2019, ASEAN và Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán đầu tiên của giai đoạn hai đàm phán về COC tại Brunei vào tháng 2-2020. Tiếp đó, dự kiến là các vòng đàm phán tại Philippines vào tháng 5, tại Indonesia vào tháng 8 và tại Trung Quốc vào tháng 10-2020.

Giai đoạn hai đàm phán về COC được cho là rất quan trọng, tập trung hoàn tất việc xem xét văn bản dự thảo COC, được coi là giai đoạn quyết định để đi tới ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Bangkok (Thái Lan) vào tháng 12-2019 từng tuyên bố, Trung Quốc mong muốn cùng các nước ASEAN hoàn tất COC trong năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cuộc đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2020 vốn đã lên kế hoạch từ trước đều đã bị đình hoãn.

Đại dịch Covid-19 là lý do khiến các cuộc đàm phán về COC chưa diễn ra như kế hoạch, song Trung Quốc chẳng những không bị đại dịch này cản trở mà còn gia tăng bất thường các hoạt động quân sự hóa nguy hiểm ở Biển Đông, đi ngược hoàn toàn với DOC và tinh thần COC đang được hình thành, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Trong nỗ lực buộc Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, không có các hành vi nguy hiểm đe dọa tự do hàng hải, hòa bình và an ninh ở Biển Đông, các nước ASEAN trong Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 diễn ra tháng 6-2020 ở Hà Nội đã nhấn mạnh việc cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới một COC giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS.

Đại dịch Covid-19 có tác động, nhưng không thể lấy đó làm lý do để trì hoãn quá trình đàm phán COC, cần sớm nối lại cuộc đàm phán về bộ quy tắc này, qua đó góp phần kiềm chế hành động quân sự hóa Biển Đông, tạo ra một nền tảng pháp lý cho giải quyết tranh chấp, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực. AMM-53 và các hội nghị liên quan khai mạc hôm nay 9-9 được trông đợi là một “cú hích” tái khởi động đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc.