Nên rà soát Bộ luật Hình sự, làm rõ tội danh khủng bố

ANTĐ - Chiều qua (14-11), các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự án Luật phòng, chống khủng bố (PCKB) và dự án Luật giáo dục quốc phòng- an ninh (QPAN). 

ĐBQH Chu Sơn Hà (Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội) tổng hợp ý kiến của thành viên nêu rõ, các ĐBQH Hà Nội thống nhất cao việc cần ban hành Luật PCKB, đồng thời đề nghị làm rõ khủng bố là gì, xác định được hành vi khủng bố, đồng thời rà soát Bộ luật Hình sự để làm rõ hành vi nào là tội danh khủng bố. Đề nghị bổ sung, điều chỉnh các khoản mục liên quan đến bộ, ngành cho đầy đủ. Xác định được vai trò trách nhiệm của mỗi cơ quan đơn vị trong tình huống nhất định, bởi dù công an và quân đội là lực lượng nòng cốt trong PCKB, thì vẫn cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành khác. 

Đây là các dự án luật cho ý kiến lần đầu và các đại biểu đều thống nhất rất cần thiết phải ban hành các dự án luật này. Nhưng cũng còn một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của Luật giáo dục QPAN vì thực tế hiện nay, dù không có luật thì vấn đề giáo dục QPAN vẫn đang được thực hiện trong các cấp học và toàn xã hội. ĐBQH Đỗ Kim Tuyến (đoàn HN, Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) cho rằng nhiệm vụ giáo dục QPAN được giao cho nhiều cơ quan, trong đó có cả các doanh nghiệp.

Việc đưa trách nhiệm của doanh nghiệp vào luật này là cần thiết. ĐBQH Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank) cho rằng việc để một số trung tâm giáo dục QPAN cho cấp tỉnh quản lý là chưa hợp lý vì đây là trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Đại biểu cũng đề nghị, giáo dục QPAN ở các cấp học dưới cần lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa, đồng thời, cần nghiên cứu về định lượng kiến thức, tránh tình trạng quá tải.