Nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm: Vấn đề luôn được dư luận quan tâm

ANTD.VN - Việc nên hay không nên công nhận mại dâm là một nghề đã được đặt ra từ nhiều năm. Nếu công nhận là nghề thì phải có thang bảng lương, có dạy nghề, có chứng chỉ… và nếu đối chiếu với những nội dung trên thì mại dâm không thể coi là nghề.

Tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm tổ chức ngày 28-3, ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. 

Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, hiện nay, mại dâm không chỉ tồn tại ở các tụ điểm hay khu du lịch mà đã có các đường dây kết nối qua internet với khách trong và ngoài nước, hình thành các tour du lịch có dịch vụ mại dâm.

Ở các thành phố lớn hoặc các tụ điểm mại dâm khu vực công cộng, sau các đợt truy quét của lực lượng chức năng, hoạt động mại dâm có chiều hướng giảm, đối tượng chuyển sang thực hiện hoạt động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua liên lạc điện thoại, qua mạng xã hội.

Hình thức mua bán dâm qua internet ngày càng trở nên tinh vi

Ông Trần Văn Đạt cho rằng, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm, đặc biệt là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm nay nên có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới. Bên cạnh đó, mức xử phạt với hành vi mua bán dâm được quy định vẫn còn quá thấp, không đủ sức răn đe.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới coi đó là hành vi vi phạm pháp luật. Ngày nay, một số chính phủ lại cho rằng nên “hợp pháp hóa” mại dâm để dễ kiểm soát. Do vậy, nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm, là một trong những vấn đề luôn được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.

Hiện trên thế giới có 4 mô hình về cách tiếp cận mại dâm dựa vào luật pháp gồm: Hình sự hóa, hình sự hóa một phần, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa, nhưng bất kỳ ở mô hình nào thì cũng gặp phải những bất lợi, rào cản nhất định.

Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phòng chống mại dâm trên cơ sở tổng kết pháp lệnh phòng chống mại dâm. Vấn đề đặt ra là cần tiếp cận vấn đề mại dâm theo hướng xây dựng các chính sách xã hội nhằm ngăn ngừa, phòng chống trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm thiểu tác hại lây nhiễm, giúp cho người bán dâm bảo vệ mình cũng như người khác.

Theo các nhà nghiên cứu, dù cấm hay cho phép thì vẫn phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Những người hoạt động mại dâm cũng có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội...

Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay.