Nên đặt mình vào vị trí người học

ANTĐ - Các phương án của kỳ thi quốc gia THPT làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đã được nhiều nhà khoa học mổ xẻ, phân tích. Không ít chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ sự thiếu thuyết phục của các phương án này.

Lo ngại nhiều học sinh trượt oan vì áp lực lồng ghép kỳ thi 2 trong 1
Ảnh: PHÚ KHÁNH

PGS-TS Trần Quốc Toản - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Đừng hy vọng một cuộc thi làm đảo ngược chất lượng dạy và học

“Tôi rất băn khoăn vì cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT khi đưa ra các phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia. Việc đổi mới thi này có tác động như thế nào tới nội dung chương trình, có mối quan hệ thế nào với hoạt động dạy học ở phổ thông, Việt Nam cần điều kiện như thế nào để có thể thực hiện? Có rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Lẽ ra Bộ 

GD-ĐT cần tiếp cận với toàn hệ thống giáo dục chứ không nên chỉ tác động vào một khâu mà lại là khâu cuối cùng của quá trình dạy học, rồi hi vọng việc này sẽ thay đổi ngược trở lại hệ thống. Một sản phẩm muốn kiểm tra chất lượng thì cần kiểm tra, giám sát trong quá trình thiết kế, sản xuất chứ không phải chờ làm xong mới kiểm tra. Trong giáo dục cũng thế, chất lượng không chỉ dùng thi cử để tác động mà cần sự đổi mới, điều chỉnh đồng thời toàn hệ thống. Hiện nay cấu trúc giáo dục cơ bản trong hệ thống giáo dục quốc dân là 9 năm hay 10 năm còn chưa ngã ngũ, nhưng Bộ GD-ĐT lại đi lo xây dựng và bàn về kỳ thi cuối cấp. Nếu trong tương lai cấu trúc hệ thống giáo dục thay đổi, kéo theo đó là yêu cầu thay đổi việc công nhận trình độ giáo dục cơ bản thì Bộ GD-ĐT lại điều chỉnh thi cử lần nữa, và khi đó sẽ không thể tổ chức một kỳ thi chung hai mục đích như hiện nay được. Tôi cho rằng trước mắt khi hệ thống giáo dục chưa thay đổi thì nên duy trì hai kỳ thi, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT chuyển giao toàn bộ cho các trường phổ thông tổ chức. Kỳ thi sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, chỉ như một kỳ kiểm tra kiến thức, không đánh đố học sinh. Theo đó việc kiểm tra có thể thực hiện với tất cả các môn học”.

Ông Hoàng Liên Hải - nguyên trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội: Phải tính đến đối tượng “chịu đựng” các kỳ thi

“Tôi không tán thành phương án nào. Kỳ thi 2 trong 1 này,  tôi xin nói thẳng là chưa nên làm. Tại sao như thế?  Nhìn vào thực tế giáo dục phổ thông thì thấy học sinh hiện nay đang phải học quá nhiều môn rất vất vả. Theo cách hiểu của tôi kỳ thi 2 trong 1 được Bộ GD-ĐT lựa chọn vì vận động được nhiều đối tượng tham gia từ đại học đến phổ thông. Kỳ thi này chắc chắn đáng tin hơn thi tốt nghiệp THPT ở địa phương. Tuy nhiên, Bộ chưa xét đến đối tượng “chịu đựng” các kỳ thi này. Đối tượng học sinh của ta được lợi khi không phải tham gia 2 kỳ thi liền nhưng đây chỉ là lợi về hình thức. Thi 2 trong 1 dù nhiều người nghĩ là đơn giản đề thi thay vì làm trong 120 phút thì tăng lên 180 phút, có câu dễ và khó nhưng thực tế có tới 50-60% học sinh chỉ mức trung bình. Đứng trước kỳ thi các em sẽ rất sốc, nào đề xuất camera, nào giám thị, thanh tra đại học... Các thầy nên nghĩ đến đối tượng này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm đáng nhẽ có 15.000 thí sinh trượt, nhưng với kỳ thi này có thể còn nhiều hơn nữa mà đáng nói là sẽ có học sinh trượt oan. Bất cứ việc gì cũng nên nhìn vào đối tượng thí sinh, đặt mình vào vị trí thí sinh. Bộ hãy khoan thay đổi, hãy nghĩ thêm. Năm tới hãy cứ để học sinh thi như năm vừa rồi”.

PGS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Tổ chức thi quốc gia một năm 2 lần để giảm áp lực cho học sinh

“Theo tôi, kỳ thi quốc gia có thể vẫn tổ chức nhưng không phải nhập từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ. Các trường phổ thông có thể tổ chức kỳ thi sau khi học sinh học hết lớp 12 để lấy kết quả cấp bằng tốt nghiệp. Những học sinh thi chưa đạt hoặc không thi có thể được cấp chứng nhận đã học xong chương trình THPT vì không phải học sinh nào cũng cần phải có bằng tốt nghiệp THPT để ra đời đi làm. Các địa phương có thể tự ra đề hoặc lấy từ ngân hàng đề của Bộ GD-ĐT. Bộ chỉ có vai trò ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát. Bên cạnh đó, những học sinh vì một lý do nào đó không tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT ở địa phương vẫn có thể tham dự kỳ thi quốc gia và lấy kết quả đó đề nghị các trường, Sở GD-ĐT công nhận tốt nghiệp. Kết quả kỳ thi quốc gia có thể sử dụng để xét tuyển 

ĐH-CĐ nhưng có thể các trường ĐH-CĐ vẫn tổ chức hình thức xét tuyển riêng. 

Với kỳ thi quốc gia này, một năm có thể tổ chức nhiều lần, tạo điều kiện cho học sinh chưa thi hoặc thi không đạt được tham gia thi lại. Ở Mỹ, kỳ thi như vậy có 12 lần/năm, nhiều quốc gia khác thi 3-4 lần/năm. Ở Việt Nam, ít nhất nên tổ chức 2 lần/năm. Theo nhìn nhận của tôi, cách tổ chức như trên sẽ giảm áp lực cho học sinh khi không bị dồn vào một kỳ thi quốc gia bắt buộc”.