Sau vụ ĐH Luật TP.HCM cảnh cáo nữ sinh photo 8 cuốn tài liệu:

Nên cho phép sao chép nhưng phải trả tiền

ANTD.VN - Vừa qua, thông tin về một nữ sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh bị cảnh cáo do photo tài liệu đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Sự việc này cho thấy vấn đề vi phạm bản quyền đang diễn ra khá phổ biến.

Vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan

Hiện tại, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh mà còn xuất hiện tại nhiều trường ĐH khác. Để tiết kiệm chi phí, nhiều sinh viên đã hồn nhiên đi mua bản sao chép giáo trình của trường mình được bày bán tại các cửa hàng photo. Vấn đề đặt ra là các trường có quyền sở hữu đối với giáo trình của mình không? Câu trả lời là có, bởi bản quyền không cần đi đăng ký để được thừa nhận mà quyền này sẽ tự động phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được hiện dưới một hình thù nhất định.

Vậy, học sinh, sinh viên của các trường, trong đó có trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh có quyền sao chép giáo trình để học? Theo Khoản a, Điểm 1, Điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao trong đó có “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân”. Quy định này là ngoại lệ mà Việt Nam và nhiều nước khác áp dụng để đảm bảo hài hoà lợi ích xã hội. Và dựa trên quy định này, không ít người cho rằng, việc sao chép tài liệu để học chính là nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Đây là một sự nhầm lẫn bởi “Nghiên cứu khoa học” và “học tập” là hai khái niệm khác nhau - Luật sư Phạm Duy Khương – Công ty Luật SBlaw, Phó Giám đốc Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam phân tích.

Luật sư Phạm Duy Khương – Công ty Luật SBlaw, Phó Giám đốc Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam

Trong khi đó, theoi Điều 3, Luật Khoa học Công nghệ 29/2013/QH13: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”. Nghiên cứu khoa học gồm Nghiên cứu khoa học ứng dụng và nghiên cứu khoa học cơ bản. Do đó, việc học tập bình thường của sinh viên không thể được xem là nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, cũng có những trường hợp sinh viên được xem là nghiên cứu khoa học khi thực hiện một đề tài nghiên cứu cụ thể. Khi đó, quyền sao chép sẽ được hình thành.

“Vì vậy, theo tôi, hành vi sao chép tài liệu của sinh viên được xem là vi phạm bản quyền của các trường Đại học. Bên cạnh đó hành vi trao tài liệu cho bạn cũng có thể được xem là hành vi phân phối tác phẩm không được phép theo Khoản 3, Điều 28, Luật SHTT. Do đó, các trường ĐH – với chức năng là một tổ chức nắm tác quyền đối với tác phẩm thông thường được quyền lên tiếng khi tác phẩm của mình bị xâm hại thông qua hình thức gửi thư cảnh báo, yêu cầu viết cam kết không vi phạm. Căn cứ vào văn bản do sinh viên đã thừa nhận và dựa trên nội quy của nhà trường, các nhà trường sẽ đưa ra hình thức xử lý phù hợp” – Luật sư Phạm Duy Khương nêu quan điểm.

Phải có giải pháp quản lý việc sao chép

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, trở lại với sự việc xảy ra tại ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, có thể nói, kiến thức và nhận thức về bản quyền của trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cần phải được ghi nhận. Song việc cấm sinh viên sao chép chỉ giải pháp tạm thời. Trong khi bảo hộ bản quyền thì đòi hỏi hành động tập thể, của số đông. Có thể nói, trên thực tế, không nước nào trên thế giới cấm được sao chép, mà việc cấm là phản khoa học và không kinh tế, thay vào đó phải đề ra các giải pháp quản lý việc sao chép. Cốt lõi là sao chép phải trả tiền, sao chép thì tiền phải vào túi tác giả, chủ sở hữu. Vì vậy, sao chép cần được khuyến khích. Cách làm có hiệu quả nhất hiện nay là cấp quyền sao chép. Khi phải trả phí quyền sao chép, người sử dụng tài liệu (người đi photo) sẽ được đảm bảo rằng việc sử dụng của họ là trong sạch về mặt pháp luật và không phải đối mặt với nguy cơ có thể khiếu kiện về hành vi xâm phạm bản quyền tác giả. Chủ máy photo một tác phẩm không được phép cũng như một cơ sở in lậu, họ phải chịu trách nhiệm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu in nhiều tài liệu có tính thương mại.

Cấp quyền sao chép là hình thức được nhiều nước lựa chọn. Các nước thường cho phép sao chép miễn phí 5%-20% tác phẩm, vượt quá số lượng nêu trên phải trả tiền. Việc trả tiền được tính thông qua các tổ chức trung gian, ví dụ như các trường. Đây chính là lý do tại nhiều trường trên thế giới đều đặt máy photocopy trong thư viện phục vụ sinh viên. Sinh viên khi sao chép vượt mức miễn phí sẽ phải trả tiền cho trường và trường sau đó thanh toán tiền lại cho Tổ chức quyền sao chép để phân bổ ngược cho tác giả. Ngoài ra, các trường có thể đóng phí thường niên tính trên đầu từng học sinh để được cấp quyền sao chép tài liệu. Như tại Singapore, chi phí này chỉ bằng giá một cái bánh Mcdonald. Như vậy, học sinh từ nhỏ đã quen với ý thức tôn trọng bản quyền.

Còn tại Việt Nam, khi xảy ra vi phạm bản quyền thì ở một góc độ nào đó, sinh viên cũng là nạn nhân, lỗi một phần thuộc về hệ thống giáo dục khi vấn đề bản quyền đã không được coi trọng tại mọi cấp. Để khắc phục triệt để vấn đề này cần thay đổi tư duy của học sinh từ cấp nhỏ nhất về bản quyền và chìa khoá chính là thông qua việc cấp quyền sao chép.