Nên “bơm” tiền trực tiếp

ANTĐ - Triển vọng kinh tế trong thời gian tới có thể đi lên hoặc đi xuống phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức hoạch định chính sách. Nếu chính sách đủ tâm và tầm thì doanh nghiệp và nền kinh tế mới có cơ may phục hồi. Đáng lưu ý, hoạch định chính sách chỉ là một phần, quyết định thành bại của chính sách còn phụ thuộc vào việc thực thi chính sách quyết liệt và đồng bộ. Đó là nhận định chung của giới chuyên gia cũng như một số nhà hoạch định chính sách trong cuộc tọa đàm giải tỏa những điểm nghẽn trong kinh tế.

Đánh giá khách quan diễn biến kinh tế năm 2012, nhiều ý kiến khẳng định đã đạt được kết quả nhất định trong việc kiểm soát lạm phát, cân bằng cán cân thương mại và ổn định tỷ giá. Bốn tháng đầu năm đã khép lại với những tín hiệu đáng ghi nhận, song chưa cho thấy một bước đột phá mạnh mẽ, nội lực nền kinh tế vẫn chưa hồi phục thực sự. Nguyên nhân sâu xa là vì những khó khăn đã tích tụ từ nhiều năm trước, các yếu tố tăng trưởng hiện tại và trong dài hạn cho thấy tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần do năng suất lao động thấp chưa được cải thiện.

Trong khi đó, các biện pháp tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm, giãn thuế chỉ giúp ích cho doanh nghiệp “ăn nên làm ra”. Hiệu quả nhất là cần giải quyết chính sách tiền tệ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Một số quan điểm e ngại lạm phát sẽ tăng cao nên không đồng tình với việc “bơm” vốn cho doanh nghiệp. Lạm phát có một phần lớn nguyên nhân từ giá vay vốn cao đẩy giá thành và giá bán hàng hóa cao. Ngược lại, thị trường bất động sản lại được Ngân hàng Nhà nước cung ứng vốn tái chiết khấu cho ngân hàng thương mại với lãi suất 4,5% để cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người mua nhà vay với lãi suất 6%. Đương nhiên phải “phá băng” bất động sản, nhưng rót tới 30.000 tỷ đồng ưu tiên cho thị trường này trong khi “bỏ quên” hàng trăm nghìn doanh nghiệp sản xuất Kinh doanh đang lao đao là việc cần xem xét.

Một tiến sĩ Viện Kinh tế tài chính cho rằng, mặc dù tồn kho bất động sản là trở ngại lớn hạn chế phát triển kinh tế năm 2013, nhưng giải cứu bất động sản sẽ không nhanh chóng và dễ dàng so với sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Vì thế, qua tình hình kinh tế hơn 4 tháng qua, các giải pháp về tài khóa và tiền tệ nên thực hiện theo xu hướng linh hoạt và từng bước nới lỏng là phù hợp với khả năng CPI tăng thấp.

Theo đó, có thể vẫn tiếp tục chương trình giãn, kéo dài thời hạn nộp thuế để giảm bớt khó khăn về vốn cho doanh nghiệp có khả năng “làm ăn khấm khá”. Trong báo cáo, “Triển vọng phát triển châu Á 2013” vừa được Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á công bố, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 và 2014 sẽ đạt khoảng 5,2% và sẽ tăng lên 5,5% vào năm 2018. Cả hai tổ chức này đều khuyến cáo, nếu muốn chính sách tiền tệ đạt được hiệu quả cao hơn trong bối cảnh nợ xấu chưa được xử lý, thì tiền cần phải được “bơm” trực tiếp vào nền kinh tế. Nói cách khác, theo một chuyên gia kinh tế vĩ mô, chỉ khi Ngân hàng Nhà nước “bơm” tiền trực tiếp vào nền kinh tế thì tổng cầu mới được cải thiện nhanh chóng. Không nên quá lo ngại lạm phát khi kinh tế suy giảm cũng như không quá coi thường lạm phát khi tăng trưởng “nóng”.