Nên áp trần lãi suất cho vay

ANTĐ - Đây là đề xuất của PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Khi đó, doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn, được tháo gỡ khó khăn, dần dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường”. 

Nên áp trần lãi suất cho vay ảnh 1
Theo các chuyên gia việc áp trần lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn
Ảnh: PHÚ KHÁNH


Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận định về tình hình kinh tế năm 2013, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, mặc dù đi được 1/3 quãng đường của năm nay nhưng những dự báo về khả năng “đến đáy và thoát đáy” của nền kinh tế bắt đầu từ giữa năm có vẻ khó thực hiện. Hai yếu tố quyết định khôi phục tăng trưởng, ổn định vĩ mô là tăng trưởng tín dụng và thu chi ngân sách đều yếu hơn so với những năm trước. 

Tính đến ngày 23-4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm 0,2% của 4 tháng đầu năm 2012. Bên cạnh đó, doanh nghiệp giảm 65% công suất, phản ánh việc duy trì hoạt động rất khó khăn. Số doanh nghiệp đóng cửa “vươn lên” ngang với số doanh nghiệp đăng ký mới. Những chỉ báo đó cho thấy tăng trưởng kinh tế khó tăng mạnh. 

Vì thế, để giải quyết những vấn đề hiện tại của nền kinh tế, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, không thể giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ mà phải có những giải pháp cụ thể. Ví dụ như tập trung nguồn tiền giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên việc tái cơ cấu không phải là tái cơ cấu đồng loạt mà thực hiện trọng điểm tại một vài tập đoàn để lấy mẫu và tạo lòng tin, sau khi thành công sẽ thực hiện dần sang các tập đoàn khác.

Bên cạnh đó, liên quan tới vấn đề lãi suất, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra rằng, cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động, trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng chỉ đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, nhường rủi ro cho người dân và doanh nghiệp.

“Để khơi thông được dòng vốn, giảm hàng tồn kho hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo sự công bằng giữa người dân, ngân hàng và doanh nghiệp, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất. Nên áp trần lãi suất cho vay thay cho trần lãi suất huy động. Khi đó doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn, tháo gỡ khó khăn, dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường”, ông Thiên nhấn mạnh.  

Tuy nhiên, về phía ngân hàng, ông Đặng Bảo Khánh – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á     (SeABank) cho rằng: “Trong điều kiện cần thiết, có thể áp trần lãi suất. Việc áp trần lãi suất cho vay nếu không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại. Nếu áp trần cho vay, sẽ có nhiều sản phẩm tín dụng mà ngân hàng không thể triển khai. Ví dụ, với lãi suất thẻ tín dụng, tài khoản ra vào liên tục, nếu áp lãi dưới 10%, tôi nghĩ, ngân hàng sẽ rất khó triển khai. Cơ hội vay vốn của nhiều đối tượng vì thế cũng vuột mất”.

Tín dụng có thể cán đích

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, về phía doanh nghiệp lượng hàng tồn kho vẫn nhiều, khả năng hấp thụ vốn còn yếu, tuy nhiên những dấu hiệu tích cực như lạm phát thấp, lãi suất giảm, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở đã được công bố sẽ là cơ sở để tín dụng năm 2013 có thể đạt mục tiêu 12%. 

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau thời gian dài, tín dụng tăng trưởng âm, từ tháng 3-2012 đến nay, tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc hình thành đường cong lãi suất thời gian gần đây và sức lan tỏa của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ là những cộng hưởng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. “Mục tiêu tăng cung tín dụng 12% trong năm 2013 là hoàn toàn khả thi”, ông Nguyễn Viết Mạnh nói.

Cũng chung nhận định trên, ông Đặng Bảo Khánh - Tổng giám đốc  SeABank cho rằng: “Không nên quá lo vì việc dư nợ tín dụng giảm trong quý   I-2013, vì việc này chỉ mang tính chất thời vụ. Đặc thù của Việt Nam là sau Tết, thường các doanh nghiệp chưa bắt tay vào sản xuất ngay. Thực tế là, đầu quý II, tín dụng đã tăng đáng kể. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng cả năm 12% là hoàn toàn có thể đạt được”. 

“Tuy nhiên, không phải mảng nào cũng tăng được. Ví dụ, tín dụng bất động sản và các ngành nghề liên quan đến chuỗi giá trị bất động sản như thép, vật liệu xây dựng… sẽ vẫn cực kỳ khó tăng. Ngược lại, những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ… có khả năng tăng vượt 12%”, ông Đặng Bảo Khánh phân tích.