Nên áp trần lãi suất cho vay

ANTĐ - Đây là nhận định của PGS.TS – Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại Hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp - Giải pháp dòng tiền".

Nên áp trần lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn

Sáng nay (20-5), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn, phối hợp với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tổ chức Hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp - Giải pháp dòng tiền”.

Ông Thiên cho rằng, nhìn vào triển vọng kinh tế năm 2013 chúng ta có thể thấy, mặc dù đi được 1/3 quãng đường của năm nay nhưng chưa thấy “đáy” như dự đoán.

Nhận định năm nay là năm “bản lề” cũng chưa thực sự chính xác vì tình hình kinh tế đang rất yếu. Tính đến ngày 23-4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm 0,2% của 4 tháng đầu năm 2012.

Trong nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào tín dụng mà tín dụng tăng trưởng yếu. Bên cạnh đó, một chỉ báo nữa là số doanh nghiệp giảm 65% công suất phản ánh việc duy trì hoạt động rất khó khăn.

Những chỉ báo đó cho thấy tăng trưởng kinh tế khó tăng mạnh. “Chính vì thế, không nên quá trói buộc vào những con số tăng trưởng. Dự báo khó khăn vẫn chưa chấm dứt. Mục tiêu tái cơ cấu phải xác định lại, nền kinh tế yếu nên không thể tái cơ cấu được tất cả” – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích.

PSG.TS Trần Đình Thiên đề nghị: “Tập trung nguồn tiền giải tỏa nợ xấu, bởi việc giải quyết nợ xấu mà không có tiền thì rất khó. Phải mất tiền và thời gian mới có thể giải quyết được. Hơn nữa mục tiêu tái cơ cấu cũng cần phải xem lại, đối với tái cơ cấu ngân hàng thì cần xem đâu là trọng điểm tái cấu trúc trong năm 2013, khâu nào là cơ bản nhất để tháo gỡ. Hay tái cấu trúc các tập đoàn cũng nên lựa chọn tập trung tái cấu trúc vài tập đoàn để tạo ra niềm tin cũng như làm mẫu”.

Liên quan tới chính sách về lãi suất, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động (hiện nay 7,5%/năm), trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng đang đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, nhường rủi ro cho người dân và doanh nghiệp”.

“Để khơi thông được dòng vốn, giảm hàng tồn kho hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo sự công bằng giữa người dân, ngân hàng và doanh nghiệp, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất. Nên áp trần lãi suất cho vay thay cho trần lãi suất huy động. Khi đó doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn, được tháo gỡ khó khăn, dần dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường”, ông Thiên nhấn mạnh.