Nạo vét hồ Hoàn Kiếm: Sẽ giữ được hệ thủy sinh trong hồ

ANTD.VN - Công ty TNHH MTV Thoát nước Thủ đô sẽ thực hiện nạo vét bùn với khối lượng dự kiến khoảng 57.400 m3.

Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 28-11, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, đơn vị này vừa được UBND TP chấp thuận việc nạo vét Hồ Hoàn Kiếm bằng phương pháp thủ công. Dự kiến, việc nạo vét  nạo vét 57.400 m3 sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018, với chi phí khoảng 29 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.

Trả lời những băn khoăn của phóng viên về lý do nạo vét hồ, nạo vét hồ có thể làm mất đi hệ sinh thái đặc trưng của hồ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Việt Hùng cho biết: "Hiện trạng hồ Hoàn Kiếm đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng và đã mất khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước hồ suy giảm, độ pH luôn ở mức cao.

Tảo lục mất dần còn 0,5% (tảo lục sống được trong môi trường độ PH=7), còn lại chủ yếu là tảo độc. Do vậy, nếu nhìn bằng cảm quan nước hồ Hoàn Kiếm nay đã không còn màu xanh đặc trưng mà chuyển sang màu nâu vàng do số lượng tảo lục giảm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm còn do lớp bùn rất dày, có nơi lên đến hơn 1m".

Hồ Hoàn Kiếm sẽ được nạo vét và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018

Để bảo vệ hệ thủy sinh của hồ, đơn vị thi công sẽ khoanh vùng trong quá trình vét bùn đáy, các hoạt động thi công chỉ diễn ra trong ranh giới vùng thi công và dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công. Để bổ sung nước cho hồ, các đơn vị sẽ khoan thăm dò nước ngầm tại Hồ Gươm, sử dụng công nghệ của Đức để xử lý nước ngầm trước khi đưa vào hồ.

Trước khi thi công nạo vét, Công ty Thoát nước Hà Nội phối hợp với Tiểu đoàn 554 (Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội) rà phá bom mìn, vật nổ để dò tìm, xử lý hết các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên mặt bằng hồ. Đề án cải tạo môi trường nước hồ Gươm đã xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, hộ nghề nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống quanh hồ.

Ngoài ra, ông Võ Tiến Hùng cũng cho biết, quá trình thi công, các đơn vị sẽ sử dụng máy xúc đứng trên phà nhỏ xúc bùn lên phễu chứa của xe bơm bùn công suất 80m3/h; ống dẫn bùn nằm trên các phương tiện nổi để dẫn vào bờ. Các công nhân sẽ bơm bùn từ xe bơm lên xe téc và vận chuyển đi đổ. 

Biện pháp thanh thải phế thải, thu gom rác, phế thải quanh bờ bằng thủ công cho lên thuyền, xúc lên phương tiện trung chuyển và vận chuyển về bãi đổ Yên Sở bằng xe chuyên dụng.

Thời gian thi công nạo vét, căn cứ vào quy định của khu di tích quốc gia đặc biệt và phố đi bộ, thời gian thực hiện thi công vào các đêm trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 5 thi công từ 21h-5h sáng hôm sau; từ thứ 6 đến chủ nhật: thi công từ 24h-5h sáng hôm sau). Trong quá trình thi công đảm bảo an toàn lao động, hạn chế tiếng ồn, dọn dẹp vệ sinh trước khi kết thúc ngày làm việc. Thời gian thực hiện từ 1-12-2017 đến 7-2-2018.