Não lòng ở "làng goá bụa", "xóm mồ côi"

ANTĐ - Ở Quảng Trị có nhiều làng quê đã có những phụ nữ bị mất chồng, mất con do bom đạn nhưng có lẽ không nơi nào lại có số phụ nữ, trẻ thơ phải chịu nhiều nỗi đau tương tự như ở thôn 6, xã Hải Thái, huyện Gio Linh. Cũng vì thế mà nhiều năm nay mỗi khi nhắc đến nơi này người ta thường gọi bằng những cái tên nghe buồn não lòng như “xóm góa chồng”, “làng góa bụa”, “xóm mồ côi”...

Ký ức kinh hoàng

Xã Hải Thái là nơi cư trú chủ yếu của những người dân di cư lên phát triển kinh tế mới đến từ các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh và một số tỉnh ở miền Bắc từ ngày mới thành lập. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi, hoang vu và rất ít ruộng đất nên cuộc sống thời ấy của người dân chỉ dựa vào nghề đi rừng, trong đó phổ biến nhất là nghề rà phế liệu chiến tranh tại các khu vực còn sót nhiều bom đạn như đồi Cồn Tiên, đồi C2, trại ông Cơ, đồi Khe Me...

Thôn 6, xã Hải Thái ngày nay nép mình trong những vườn cao su yên bình. Chúng tôi đến thôn 6 khi mặt trời vừa lên cao. Thời điểm này những phụ nữ trong thôn cũng vừa kết thúc buổi cạo mủ cao su ban sáng, tất tả trở về nhà. Trên đường làng, tiếng học sinh í ới gọi nhau đến lớp. Trong nhà trẻ, tiếng trẻ thơ ríu rít hòa theo từng nhịp hát. Dưới ánh nắng dịu nhẹ và những cơn gió rì rào từ rừng cao su bạt ngàn, những nóc nhà ở thôn 6 ánh lên vẻ bình yên đến lạ. Nhưng ít ai biết rằng cách đây không lâu ngôi làng này đã có hàng chục người chết vì nghề rà phá bom mìn. Nhiều người may mắn hơn cũng đã bị thương tật vĩnh viễn vì theo cái nghiệp mưu sinh nghiệt ngã này. Những tiếng bom khô đanh như những nhát cứa đau đớn vẫn còn hằn sâu trong ký ức hãi hùng của dân làng đến tận ngày nay.

Bà Thảnh và đứa cháu nội đang ngủ trên tay

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khi cây cao su, những mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng còn thực sự mới lạ, chưa thực sự mang lại của cải cho người dân nơi đây thì những mảnh phế liệu chiến tranh, bom đạn, nguồn thuốc nổ... lại có sức hút mãnh liệt đối với thanh niên trai tráng trong thôn vì những thứ này có thể bán đổi gạo ngay để sống qua ngày.

“Biết là nguy hiểm nhưng hồi đó vì không có nghề ngỗng gì lại túng thiếu nên người làng tui cũng chỉ biết liều mình vác máy rà vào rừng tìm cái ăn chứ ở nhà thì chỉ có đói thôi. Nhưng cũng hãi hùng lắm cháu à, không có chuyện gì thì thôi chớ lâu lâu nghe bom nổ là vợ con ở nhà nốp cả ruột gan”, bà Tạ Thị Thảnh ẵm đứa cháu nội buồn buồn, nhớ lại.

Bà Thảnh năm nay 54 tuổi kể bà và chồng là ông Nguyễn Nam Phúc rời quê từ xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh chuyển vào thôn 6, xã Hải Thái sinh sống từ hồi mới giải phóng.

Chị Hương phải làm cả những công việc nặng nhọc kể từ ngày chồng mất

Cứ tưởng vào mảnh đất mới gia đình bà sẽ tạo lập được cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên chỉ với 3 sào ruộng nước bạc màu “gánh” một lúc đàn con 8 miệng ăn nên chồng, con trai bà cũng cố sắm chiếc máy rà phế liệu theo người làng vào rừng rà bom mìn, lấy thuốc nổ bán nuôi sống gia đình.

Rồi trong một buổi trưa hè năm 1991, khi đang ngồi cưa quả bom lớn để lấy thuốc nổ trước nhà thì bất ngờ quả bom phát nổ long trời hất tung ông Phúc và người con trai Nguyễn Viết Trường (lúc bấy giờ mới 16 tuổi). Dưới làn khói đen khét lẹt là một chiếc hố sâu rộng bằng căn nhà vương vãi máu. Những mảnh thịt vương máu tươi treo lủng lẳng trên những ngọn cây cháy sém. Lúc hàng xóm chạy đến thì chỉ thấy bà Thảnh đang cố lê lết nhặt từng mảnh cơ thể của hai cha con lẫn lộn với đất cát vừa than khóc thảm thiết. Ở thôn 6 còn có rất nhiều cái chết thương tâm từ bom mìn. Năm 1990, 1991 là thời điểm xảy ra nhiều hơn cả.

Căn nhà nhỏ của chị Hương chẳng có gì đáng giá

Người dân thôn 6 vẫn không thể nào quên vụ nổ bom kinh hoàng xảy ra tại khu vực trại Ông Cơ. Vụ nổ bom tang thương trên đã cùng lúc cướp đi sinh mạng của 3 người con ruột và 2 người cháu của ông Nguyễn Văn Bình khi họ đang cố gỡ một quả bom để lấy lõi đồng và thuốc nổ. Khi người dân phát hiện xác họ bên cạnh chiếc xe trâu kéo thì đã không ai còn sống sót. Thế là để đưa xác những người xấu số về, người dân đành gắp từng mảnh xác tất cả 5 người lên chiếc xe trâu theo đường mòn kéo về. Đám tang của họ được cử hành trong tiếng khóc than đến xé lòng của người thân và sự thương cảm của hàng xóm.

Thế nhưng không vì thế mà người ta cảm thấy sợ hãi.

Không lâu sau vụ tai nạn tang thương đó, vào ngày 7/2/1991 cũng tại khu vực này, 2 người con trai của ông Nguyễn Vật ở thôn 6 cũng đã chết do đạn phát nổ khi đào bới tìm phế liệu. Bom nổ chết người liên tục nên người dân nơi đây cho biết, những năm đó hễ nghe có tiếng bom nổ là y như rằng hôm sau trong làng lại có đám tang. Trường hợp chết do rà phá bom mìn gần đây nhất (năm 1998) là anh Nguyễn Thành, SN 1973 khi vợ anh là chị Lý Thị Hiền vừa sinh con gái đầu lòng. Gia đình chị Hiền thuộc diện hộ nghèo, có 2 con gái học hết lớp 10 thì bỏ học đi làm thuê ở Khe Sanh đỡ đần mẹ.

Những năm trở lại đây tình trạng người dân lén lút vào rừng rà phá bom mìn lấy phế liệu, thuốc nổ đã giảm nhiều. Đó cũng là nhờ ý thức về sự nguy hiểm của bom mìn của người dân ngày càng được nâng cao. Và một nguyên nhân nữa khiến người dân không còn liều mình lao theo cái nghề chết chóc này là do đời sống của họ đã được cải thiện nhiều nhờ dựa vào trồng cao su, trồng rừng và buôn bán trên tuyến đường Hồ Chí Minh.      

Những phận đời se thắt                                                                     

Theo chân chị Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Thái, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hương, 36 tuổi ở thôn 6. Ngôi nhà được thưng bằng tường gót, mái ngói tạm bợ dột tứ tung của chị Hương nằm ngay trục đường trung tâm xã càng trở nên hoang lạnh, đìu hiu. Chị Hương cho biết, từ ngày chồng mất ngôi nhà của chị càng trở nên lạnh lẽo vì thiếu bàn tay chăm sóc của đàn ông.

Nghe gợi lại chuyện cũ đôi mắt chị Hương chợt đỏ hoe. Dường như nỗi đau đớn hơn chục năm trước trong ký ức của người góa phụ này bỗng ùa về rõ mồn một như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Anh Trần Hữu Phúc, chồng chị, hơn chị bốn tuổi đã chết trong một lần đi rà phế liệu do cuốc phải bom bươm bướm ở khu vực đồi Khe Me, đó là vào tháng 7/1997.

“Lúc nghe tiếng bom nổ chát chúa vọng về từ đồi Khe Me tui đã có linh tính chẳng lành vì anh ấy bảo hôm ấy đi rà phế liệu ở khu vực đó. Thế là tui lao đi tìm. Không ngờ đến nơi đã thấy anh ấy nằm lăn giãy giụa trên vũng máu”. Quả bom phát nổ bắn nhiều mảnh đạn tung tóe vào người anh, trong đó một mảnh đạn oan nghiệt đã găm sâu vào đầu nên anh Phúc không qua khỏi dù đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Vuốt vội dòng nước mắt ướt đẫm trên vầng trán đã in hằn nếp nhăn, chị Hương không kìm được xúc động: “Hai vợ chồng mới cưới và bén hơi nhau chưa tròn 5 tháng thì anh ấy bỏ mẹ con tui ra đi. Lúc cưới nhau là tui có thai luôn, thế nên lúc cha con bé mất thì con bé vẫn chưa kịp chào đời”.

Gia đình bà Tạ Thị Thảnh vẫn chưa nguôi vì những cái chết của người thân do bom mìn

Đưa ánh mắt vui buồn lẫn lộn về phía đứa con gái Trần Thị Mỹ Hòa, giờ đã lớn phổng phao như một thiếu nữ đang học lớp 8 chuẩn bị theo chúng bạn đến lớp, chị Hương thở dài: “Cũng may mà kịp có con bé chứ nếu không chắc tui không sống được đến chừ. Lúc đó mình còn trẻ nhiều người bảo hay là đi bước nữa để chăm lo cho hai mẹ con tốt hơn. Tui cũng suy nghĩ dữ lắm nhưng nghĩ thế nào rồi lại thôi mặc dù cũng có nhiều người đàn ông đánh tiếng đến với mình. Tui nghĩ nếu gặp người đàn ông tốt thì mình hạnh phúc chứ nếu không may gặp người chồng rượu chè, vũ phu thì cuộc sống của hai mẹ con sẽ càng khổ hơn. Thôi thế nào giờ cũng lỡ thì rồi nên tui cũng quyết định ở vậy nuôi con bé học hành đàng hoàng để sau này đỡ khổ hơn mẹ nó là khỏi tủi thân rồi”.

Sau hơn ba năm ở chung với nhà nội thờ chồng, năm 2001 chị ra riêng làm căn nhà nhỏ để buôn bán hàng tạp hóa lặt vặt sống qua ngày. Nhưng do vốn ít, làm ăn khó khăn nên một thời gian sau chị nghỉ bán chuyển sang đi cạo mủ cao su thuê hoặc làm mướn cho người dân trong vùng. Cuộc sống của hai mẹ con giờ phụ thuộc vào những đồng tiền còm cõi thất thường của chị.

“May trời thương cho sức khỏe nên còn làm lụng được. Tui cứ nơm nớp sợ một lúc nào đó ông trời vật cho một trận ốm thì chẳng biết hai mẹ con sống thế nào nữa. Thôi kệ, trời thương đến mô hay đến đó”- chị Hương tặc lưỡi buông tiếng thở dài trong căn nhà cô quạnh nghe sao thật nhói lòng.  

Chồng chết cũng đã để lại cho bà Thảnh một nách nuôi 7 đứa con nheo nhóc trong khó nhọc. Đến giờ 2 con trai bà đã lập gia đình và sinh sống tại miền nam nhưng cuộc sống cũng rất bấp bênh. Em Nguyễn Thị Ái Vy, 16 tuổi hiện đang học lớp 10 có lẽ là người may mắn hơn cả khi được mẹ nuôi học đến cấp 3. Vy bảo cố gắng học giỏi, thi đậu đại học để kiếm một nghề nghiệp ổn định để sau này bù đắp cho mẹ phần nào nhưng nhà nghèo quá nên chưa biết tính sao.

Chị Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hầu hết những chị em có chồng chết do bom mìn đều ở vậy nuôi con nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhằm để giúp đỡ những gia đình này cải thiện đời sống, thông qua nhiều kênh khác nhau đã hỗ trợ cho họ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ xã cũng tích cực vận động các gia đình có đời sống kinh tế khá giả trong thôn, xã đỡ đầu những gia đình phụ nữ nghèo bằng các hình thức như giúp ngày công, cây, con giống cũng như tạo điều kiện cho chị em vay không tính lãi suất vốn từ nguồn tiết kiệm tín dụng của xã để chị em có điều kiện phát triển kinh thế, thoát nghèo.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ những năm 1980 đến 2002, số người chết do làm nghề rà phá phế liệu chiến tranh, cưa bom lấy thuốc nổ hoặc vướng phải bom mìn trong lúc sản xuất ở xã Hải Thái là 53 người (của 31 hộ gia đình). Đa số những nạn nhân xấu số trên là trụ cột của gia đình. Trong đó riêng thôn 6 đã có đến 25/98 hộ gia đình có người tử vong vì bom mìn.