Nào cùng chơi Tết

ANTD.VN - Đã khá nhiều năm kể từ khi đổi mới, khái niệm “ăn Tết” dường như đã phai nhạt trong tâm trí người Hà Nội. Không những thế, nhắc đến nó hình như còn động chạm đến nhiều kỉ niệm khó quên thời bao cấp đói khổ.

Nghèo đói đến mức lúc nào cũng phải lo đến miếng ăn gần như là một nỗi hổ thẹn lớn của thị dân ngày ấy. Lo toan gom góp suốt cả năm trời chỉ để dành cho cái Tết. Xong được nồi bánh chưng tự luộc còn phải kiếm thêm đủ thứ rau dưa, cá thịt cho mâm cỗ chiều 30. Lũ trẻ nhà nào gói được hơn chục bánh chưng thì lấy làm hãnh diện khoe khắp phố.

Có thể hiểu vì sao ngày ấy ăn miếng bánh chưng Tết cảm thấy ngon đến thế. Mở hộp mứt Tết mua bằng bìa mua hàng gia đình ra thấy lèo tèo lỏng chỏng vài miếng mứt bí, mứt gừng, còn lại chủ yếu là những viên kẹo trứng chim đủ để chia cho đàn con thèm thuồng xoa xuýt.

Nào cùng chơi Tết ảnh 1Cuộc sống khi ấy còn nhiều khó khăn nhưng nhà nào cũng cố sắm lấy cành đào chơi Tết, đào Nhật Tân là loại hoa nổi tiếng nhất bấy giờ  (Ảnh tư liệu)

Tất nhiên thì Tết nào cũng phải đầy đủ tất cả các món ăn. Dù khó khăn đến mấy thì các bà, các mẹ cũng phải lo toan cho bằng được. Cũng chẳng có cách nào khác hơn là phải dành dụm. Dành tem phiếu thực phẩm để mua vào dịp Tết có khi cả tháng không được ăn miếng thịt nào. Dành dụm tiền để Tết mang ra mua sắm. Thực phẩm khô như miến, măng, bóng bì, mì chính… phải để dành suốt năm, thỉnh thoảng lũ trẻ phải mang lên phơi trên sân thượng cho khỏi mốc.

Thật lạ là bây giờ hiếm thấy nhà ai còn gói đến chục bánh chưng dù gạo thịt ê hề. Cỗ bàn cũng chỉ tượng trưng một mâm cơm cúng. Ngày Tết đôi khi là dịp người ta thực hiện việc ăn chay với rau củ. Được đĩa su hào luộc vào những ngày này có thể nói rằng ngon tuyệt đỉnh. Thời gian nấu nướng được dành cho việc đi chơi.

Nói đến Hà Nội không thể không nói đến thú chơi hoa. Ngày thường đã vậy nhưng ngày Tết là cả một rừng hương sắc trong nhà. Có những gia đình phải chuẩn bị mua cây cảnh và hoa suốt hàng tháng trời trước Tết. Nó gần như là một nghi thức thiêng liêng khá lâu đời. Kể cả những năm đói kém thiếu đủ thứ nhưng chưa bao giờ gia đình Hà Nội thiếu hoa ngày Tết.

Cuối tháng một ta, những chợ hoa xung quanh thành phố bắt đầu tấp nập. Hoa từ các tỉnh xa mãi trong miền Nam mang ra. Hoa từ những tỉnh gần như Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh đổ về. Con đường Hoàng Hoa Thám đi lên chợ Bưởi ngập tràn các loài hoa và cây cảnh. Hàng cá cảnh, chim cảnh rộn rã tiếng người. Người Hà Nội vài năm gần đây tự lập ra những hội chơi chim, cá cảnh rất chuyên nghiệp. Thế nhưng ngày Tết đến vẫn là lúc mua bán trao đổi rôm rả nhất. Chỉ có mỗi chuyện chim ông chim tôi thôi mà cũng hò reo suốt mấy giờ đồng hồ.

Hàng bán non bộ, gỗ lũa bày la liệt trên vỉa hè. Non bộ thì vẫn còn khai thác được những hòn rất khá về thẩm mĩ. Gỗ lũa dường như cạn kiệt nguồn cung lâu rồi. Giờ chỉ còn lại những cục xù xì gọt đẽo và nhuộm màu thô vụng. Những loài hoa rất lạ vài năm nay được nhập khẩu về tương đối đắt hàng. Những là mai đỏ, đỗ quyên, thanh liễu, mộc lan. Thực ra thì cái hoa gọi là thanh liễu ấy chỉ là biến thể của cây thanh hao xưa người Hà Nội vẫn gọi là cây chổi sể. Nhưng đóa hoa thanh liễu bây giờ to lớn dị thường và tỏa hương thơm dịu dàng trong suốt. Cây mộc lan hoa hồng thơm ngát Tết đến nở rộ như một ánh lửa nôn nao gọi mời. Nó chẳng còn chút nào bóng dáng của cây hoa mộc xứ mình khép nép bên sân chùa lặng lẽ tỏa hương.

Người Hà Nội giờ tập trung cho việc chơi Tết khá cầu kì và dài hạn. Cây mai trắng phải mua từ trước Tết cả tháng. Tuốt lá, tỉa cành, chăm bón sao cho vừa đến Tết là những bông đầu tiên như tuyết trắng hé môi cười. Những cành đào rừng mới là thứ thử thách tài nghệ của đàn ông một cách tuyệt đối. Mua được cành đã nở sẵn vài bông cũng chưa hẳn là chắc ăn. Thứ đào ấy cắt trên rừng mang về rất khó nở bởi phải trải qua hàng trăm cây số trên thùng xe tải. Phần lớn mang được về đến Hà Nội đều héo úa tả tơi. Người ta dựng đầy ở góc phố Đội Cấn, Liễu Giai để bán. Vài cụ ông khó tính có khi đến ngắm hàng giờ rồi chép miệng bỏ đi. Những cụ dễ tính hơn đánh liều vác về một cành “năm ăn năm thua”. Cành nở được thì sớm quá, Tết lại phải mua cành khác. Cành không nở được thì dĩ nhiên Tết cũng phải mua đào vườn thế vào.

Vài năm nay người Hà Nội có cách chơi đào mới lạ. Người ta chẳng mua về nhà những gốc đào thế cổ thụ nữa. Đơn giản vì vườn nào cũng cho thuê mang về bày Tết. Chỉ cần phóng xe lên vườn chọn cây đặt tiền là tức khắc chủ vườn sẽ cho người chở đến tận nhà. Hết Tết, các chủ vườn lại đi từng nhà chở đào về chăm sóc cho Tết sau. Những cây đào thế rất đắt tiền ấy hình như chưa một gia đình trong phố nào chăm sóc nổi cho ra hoa vụ Tết sau.

Chắc ăn nhất có lẽ chỉ mua lan hồ điệp. Nó đã nở y nguyên như thế cho đến hết Giêng. Nhưng kể ra thì thứ hoa này chỉ quan chức hay dùng. Tự mua cũng có mà được biếu nhiều hơn. Giá cả của nó không hề rẻ. Những chậu lan hồ điệp nuôi cấy công nghiệp này hoàn toàn không có hương thơm. Và hình dáng to lớn cục mịch khác thường. Không còn mảy may chút nào của loài hồ điệp cổ xưa dịu dàng e ấp buông những cành hoa thong thả bên hiên nhà.

Những gốc đào thất thốn nhập ngoại vài năm nay cũng là mối quan tâm của mấy anh nhà giàu với giá hàng mấy triệu. Tuy nhiên ngoài ưu điểm bông to trĩu cành ra chẳng có gì đáng chơi cả. Đó là những thân cây non được bón phân hóa học thẳng đuỗn không mấu mắt. Hoặc có mấu mắt nhân tạo do con người tác động vào thì lại giống với cây giả nhiều hơn.

Những chậu lan trần mộng mang từ Đà Lạt ra với rất nhiều công đoạn bảo dưỡng cũng không phải là thứ được ưa chuộng ở Hà Nội. Ngoài ưu điểm dày bông và bền hoa ra cũng chẳng có gì đáng chơi. Không hương thơm và sắc màu thì vàng ủng như dưa muối khú. Vài năm gần đây giới bình dân Hà Nội đã bắt đầu có hoa thủy tiên chơi vào dịp Tết. Củ thủy tiên đã được gọt sẵn ngâm trong cốc thủy tinh lớn cao chân bảo đảm nở đúng vào dịp Tết. Tất nhiên chơi hoa thủy tiên như thế cũng thật là bình dân. Không phải gọt củ tỉa rễ cũng chính là mất đi một phần của thú chơi tao nhã này. Chẳng còn cái nôn nao say đắm mong chờ cây thủy tiên nở bừng đúng dịp Giao thừa nữa. 

Nào cùng chơi Tết ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Không chỉ quan tâm đến đồ chơi mà thị dân bây giờ còn để ý nhiều đến trò chơi. Có thể là một chuyến đi xa dài ngày cho đến hết Tết mới về. Cũng có thể là những chuyến đi ngắn ngày thăm thú nhiều nơi. Những miền núi non Tây Bắc, Hà Giang, Cao Bằng, Móng Cái là điểm đến vô cùng thú vị. Những cung đường quanh co bóng núi lốm đốm sáng bừng lên những vạt hoa đào, hoa mận. Nghĩ thấy tủi thân cho cành đào rừng mua ở nhà hiếm khi nở đúng dịp.

Chỉ trừ những gia đình còn giữ nếp thờ cúng tổ tiên phải ở nhà. Đám thanh niên không vướng bận những nghi lễ ấy phần lớn dùng ngày nghỉ Tết của mình để đi chơi xa. Họ tự hào vì Tết này đi được những đâu mà chẳng ai hỏi nhau ăn Tết thế nào. Vài gia đình trẻ thuê những chậu đào lớn mang lên căn hộ bày trong phòng khách. Thế nhưng, Tết đến lại khóa cửa đi cho hết ngày nghỉ mới về. Việc còn lại của thú chơi đào chỉ là quét hoa rụng và gọi chủ vườn đến lấy cây về.

Ngày Tết là lễ hội khắp nơi trên miền Bắc diễn ra. Loanh quanh Hà Nội chỉ vài chục cây số thôi cũng đã vô số lễ hội kéo dài sang cả giêng hai. Hội lớn cũng nhiều và hội làng thì hầu như làng nào cũng có. Người Hà Nội vài năm đầu mở cửa còn háo hức đi lễ hội. Giờ đã vãn. Cũng bởi lễ hội thời công nghệ số lan truyền khá nhanh sang các vùng lân cận.

Đi đâu cũng thấy rước nước, vật nhau, quay sổ số thì cũng chẳng có gì hấp dẫn. May lắm chỉ còn được hội Lim bên Từ Sơn là còn có nhiều giọng hát mới lạ. Những lễ hội kiểu chém lợn, chọi trâu có nhiều tai tiếng cũng không nằm trong mối quan tâm của người Hà Nội. Có lẽ không chỉ vì tính chất bạo lực của trò chơi mà còn vì cái sự trang nhã thanh nhàn của người Hà Nội bỗng đâu hao khuyết.

Thế nhưng đã chẳng có mấy người vào Nam chơi Tết. Nhiều gia đình Hà Nội Tết đến rủ nhau sang mãi tận trời Tây nhưng vào Nam thì rất hiếm. Đơn giản vì những vùng khí hậu như vậy không đào đâu ra không khí Tết. Dù bánh chưng và nem rán Hà Nội thì ở đâu cũng có nhưng chén bữa cỗ Tết trong phòng máy lạnh như thế quả là kém ngon. Ngày Tết thường những người Hà Nội di cư vào Sài Gòn hay về lại quê nhà chơi Tết. Bát phở sáng mồng Một tuy có kém ngon hơn ngày thường nhưng chẳng hề chi. Chính cái tiết trời lành lạnh ở đây đã làm cho bát phở tỏa hương nồng nàn quyến rũ.

Hóa ra chơi Tết là một trò chơi lâu bền hơn cả. Chỉ vài năm ăn Tết đủ đầy thôi là người ta không ai còn nghĩ đến chuyện ăn Tết nữa…

12-2019