Nâng tuổi trẻ em - nên hay không?

ANTĐ - Tuần qua, một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này đó là nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi đã được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Nâng tuổi trẻ em - nên hay không? ảnh 1

Đầu tiên phải khẳng định một mẫu số chung là hầu hết các ý kiến đều cho rằng nâng độ tuổi trẻ em lên 18 cho phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc quy định “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi...” là hợp lý. Nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em, bảo đảm tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi khi điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều phát triển sẽ giúp cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn, bởi nếu xây dựng luật mà không áp dụng, thiếu thực tế, hay xây dựng xong thực thi không hiệu quả thì có ích lợi gì (?!) Và nếu được thông qua đi vào đời sống, thì còn một khoảng trống pháp lý ở biên độ tuổi từ 16 đến 18 bao giờ mới có thể lấp đầy; cụ thể là dự thảo này quy định trẻ em là dưới 18 tuổi nhưng về hành vi với độ tuổi liên quan thì một số luật điều chỉnh, một số luật không.

Và có lẽ liên quan đến dự thảo này “nóng” nhất trong tuần qua là phát biểu của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khi nói câu nói đùa: “Có khi sắp tới phải xây khoa sản trong bệnh viện nhi”. Tuy là một câu nói đùa nhưng trong nó hàm chứa nhiều điều đáng suy ngẫm. Rồi còn đó việc nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống thì ở vùng sâu vùng xa, dân tộc miền núi… sẽ lấy vợ, lấy chồng ở tuổi… trẻ em.

Đặc biệt cũng có ý kiến cho rằng có những vụ trọng án mà thủ phạm là người dưới 18 tuổi đã trở thành vấn đề lo lắng của xã hội, của pháp lý thì nay quy định nâng độ tuổi trẻ em lên 18 có khiến mọi việc thêm phức tạp (?) Tội phạm có xu hướng trẻ hóa thì việc coi những người 18 tuổi là trẻ em liệu đã thực sự hợp lý (?)v.v… Việc thay đổi độ tuổi trẻ em cần phải được thực hiện đồng bộ với các quy định liên quan khác như trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Lao động… sao cho phù hợp nhất.  

Hiện nay trên thế giới chỉ còn 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam quy định độ tuổi trẻ em thấp hơn 18 tuổi. Nhưng Công ước của Liên hợp quốc vẫn đồng ý với các quy định khác của pháp luật mỗi nước - đây chính là đáp án mở cho chúng ta bàn luận, nghiên cứu kỹ lưỡng, trên nền tảng của luật “soi rọi” vào thực tế xã hội ở nước ta lẫn các quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật mới sẽ có câu trả lời là chúng ta nên hay không nâng tuổi trẻ em đến 18 tuổi.