Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Nâng thời hạn giao đất lên 50 năm

ANTĐ - Hôm qua, 11-9, Chính phủ đã công bố dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến nhân dân. Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp bởi tác động to lớn của nó tới đời sống kinh tế - xã hội.

Nâng thời hạn giao đất lên 50 năm ảnh 1
Đất đai liên quan trực tiếp tới đời sống của mỗi người dân
Vấn đề quan trọng đầu tiên được dư luận đặc biệt quan tâm là chế độ sở hữu đất đai. Trao đổi với báo chí hồi tháng 3-2012, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) Đào Trung Chính cho rằng, đây là những vấn đề rất lớn và cần có ý kiến từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phó Tổng cục trưởng thông tin: “Trong quá trình tổng kết Luật Đất đai 2003, có nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề này. Có ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì sở hữu toàn dân về đất đai. Có ý kiến lại nói nên chuyển thành sở hữu Nhà nước. Thậm chí, có người đề nghị nên đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai, trong đó, có cả sở hữu tư nhân. Mỗi đề xuất đưa ra đều có lập luận riêng để bảo vệ quan điểm của mình...”. Đề cập tới vấn đề này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa công bố nêu rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. 

Dự thảo cũng quy định, Nhà nước sẽ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; thu hồi đất; các chính sách tài chính về đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất... Quốc hội ban hành pháp luật về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước; quy định thời hạn, hạn mức sử dụng đất. Chính phủ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai trong phạm vi cả nước theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi).

Một số vấn đề quan trọng khác cũng được dư luận quan tâm thời gian qua là thời hạn giao đất và hạn mức giao đất (hạn điền). Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, người dân đề nghị rằng 20 năm ít quá, không đủ khuyến khích sản xuất, cần phải kéo dài thêm... Tuy vậy, có ý kiến nói nên giữ nguyên như hiện tại. Về vấn đề này, dự thảo luật đề xuất quy định thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm và áp dụng thống nhất cho các loại đất nông nghiệp. Cụ thể, dự thảo Luật là 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Còn thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm”. Đề xuất này có mục đích khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất.

Với hạn mức giao đất, dự thảo đề xuất: “Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3ha đối với mỗi loại đất”. Còn hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân là không quá 10ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng và không quá 30ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Đồng thời, dự thảo quy định rõ hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30ha đối với đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất. Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 5ha. Đặc biệt, tại Điều 113, dự thảo quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.

* Giá đất “phù hợp” thị trường

Liên quan tới xác định giá đất - vấn đề gây nhiều tranh cãi trong gần 10 năm nay (“sát giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu nguyên tắc: “Giá đất do Nhà nước quyết định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Các thửa đất liền kề nhau, có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau”.