Nắng sưởi ấm những tâm hồn lầm lạc

ANTĐ - Ở nơi u ám như nhà tù nhưng vở kịch “Trong mưa giông thấy nắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam lại khiến khán giả thấy được những tia sáng lấp lánh và ấm áp của tình người, của hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Vở diễn vừa ra mắt tại không gian sân khấu số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. 

Hình tượng người chiến sĩ công an hiện lên vừa gần gũi, vừa chân thật

Không xuất hiện những nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, diễn viên tham gia vở “Trong mưa giông thấy nắng” chủ yếu là các diễn viên trẻ. Đạo diễn Anh Tú đã dàn dựng một vở diễn hoàn toàn không có “sao”. Cái khéo của Anh Tú là đã chọn đúng người, đúng nhân vật nên ở hầu hết các vai diễn đều không có sự vụng về. Các diễn viên trẻ diễn tự nhiên, chân thật và duyên dáng từ những vai diễn quần chúng. Sức trẻ của vở diễn còn đến từ cách khai thác chi tiết rất hiện đại, gần gũi với cuộc sống. Ở đó, khán giả có thể gặp lại một điệu nhảy tango trong sự cuồng si của đôi lứa, một cảnh ngoại tình được khai thác theo lối cách điệu…

Chạm đến đề tài vốn khô cứng, khuôn thước và chỉn chu nên cái khó của vở diễn là tìm ra được những nhấn nhá mềm mại, uyển chuyển. Đạo diễn Anh Tú đã xử lý tốt kịch bản của tác giả Lê Chí Trung và “Trong mưa giông thấy nắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn ngọt ngào cảm xúc khi khai thác hình ảnh cán bộ quản giáo và phạm nhân. Đó là câu chuyện kể về cuộc sống trong một trại giam, nơi  những phạm nhân đang thi hành án để trả giá cho những tội ác đã gây ra. Trong trại giam đó, phải kể đến những chiến sĩ Công an - cán bộ quản giáo, những người phải hàng ngày sống chung, thở chung bầu không khí với những kẻ đã gây ra những tội ác man rợ. Qua đó, các chiến sỹ Công an mới hiểu và thông cảm cho những tâm hồn lầm lỗi nhưng cũng rất bình dị, rất con người.

Nhân vật chính của vở kịch-Thiếu tá Hà, Phó Giám thị trại giam (diễn viên Phương Nga) có tính cách quyết liệt và hy sinh hạnh phúc cá nhân cho công việc. Chị là hình ảnh đại diện cho những chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ. Vở kịch không dừng lại ở việc ca ngợi những người biết hy sinh chuyện riêng tư để làm tốt những công việc đặc biệt của xã hội, mà còn phản ánh đa chiều số phận từ những tù nhân đến các chiến sỹ quản giáo, những tâm tư của mỗi người ở nơi hoang vu, hẻo lánh. Điều này đã thực sự làm nên nét riêng của “Trong mưa giông thấy nắng” so với những vở kịch về đề tài lực lượng Công an nhân dân khác và làm nên tính nhân văn cho một vở diễn được dàn dựng công phu và đặt nhiều hy vọng ở kỳ hội diễn “Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân” lần thứ III năm 2015. 

Với thời lượng 1 giờ 45 phút, vở diễn đã truyền đến người xem hình ảnh đẹp và đáng yêu về những người chiến sỹ Công an, đồng thời còn là niềm hy vọng về sự hoàn lương của những con người lầm lỡ. Ở nơi tưởng như giông bão nhất của cuộc đời nhưng vẫn có những tia nắng lấp lánh rọi chiếu cho tương lai bình yên và tươi đẹp.