Năng suất lao động và năng suất tiêu thụ bia

ANTĐ - Khi báo cáo Thủ tướng về vấn đề năng suất lao động trong ngành, lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã thành thật nhìn nhận, hiện tập đoàn đang có số lao động khá lớn, lên tới trên 100.000 người, nhưng năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia và 10% Singapore. Con số này cũng không chênh bao nhiêu so với thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2013 năng suất lao động của người Việt Nam ở mức thấp so với các nước ASEAN và ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chỉ có thêm một điều đáng nói là, các quốc gia dẫn đầu về năng suất lao động hiệu quả lại không có tên tuổi trên bản đồ tiêu thụ bia. Trong khi theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Euromonitor, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, tương đương giá trị 3 tỷ USD, trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.  

Thực ra, nếu biết nhìn một cách thực tế “thế mạnh ẩm thực” khi Việt Nam đứng đầu bảng năng suất “uống bia” thì cũng có thể thay đổi tình thế lắm. Dân ta sành bia cùng với các món ăn ngon, lành và lại khác lạ nữa. Những đầu bếp nấu món nhậu cho thực khách uống bia một khi được nâng cấp tay nghề, được đầu tư kỹ nghệ có đầu có đũa thì họ luôn có thể tạo ra những món khoái khẩu mà không một nền ẩm thực nào có thể có được. Cũng không đến nỗi quá khó, quá tốn kém để đào tạo một lượng lớn đầu bếp siêu giỏi tầm cỡ thế giới về những món ăn nhậu gắn với việc giới thiệu, quảng bá những món ăn lạ, ngon tuyệt vời của Việt Nam. Khi ấy có lẽ hình ảnh tay nghề, hiệu suất làm nghề của Việt Nam có thể được xếp ở vị trí khác. Theo ILO hiện chỉ có khoảng 20% lao động Việt Nam được đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, còn 80% đều lao động phổ thông, lao động trình độ thấp.

Cũng không chỉ đào tạo các tay nghề ẩm thực, mà người Việt còn có khả năng tay nghề rất cao trong những lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, làm đẹp - mà ở ta những cửa hiệu spa, massage liên tục phát triển như nấm sau cơn mưa chẳng phải là minh chứng sao(?). Trong khi thế giới cũng đang rất cần và có nhu cầu không nhỏ về lĩnh vực này! Là một ví dụ thế, còn người Việt ta còn có những “tài lẻ” ở nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác mà thế giới đang rất thiếu. Có điều chưa có đào tạo nguồn nhân lực thì nói gì đến năng suất lao động cao được. Việc năng suất làm việc của người Việt Nam thấp hơn các nướ trong khu vự; thậm chí có công việc, công đoạn chuyên môn hóa nào đó, 100 người của ta mới bằng một người của họ là một chuyện quá xấu hổ, nhưng không phải là không đổi thay được.

Cứ từ vị trí đầu bảng uống bia mà biết cách xoay trở, tập trung đào tạo nghề, nâng cao hơn nữa các thế mạnh nghề khác biết đâu chúng ta sẽ có cơ đứng đầu cả hai bảng vàng về năng suất lao động và năng suất tiêu thụ bia!