Nâng mức tiền ăn học sinh khiếm thị, trường Nguyễn Đình Chiểu nói gì?

ANTD.VN - Sau khi có thắc mắc về mức tăng tiền ăn hàng ngày từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/ngày đối với 176 học sinh khiếm thị, ngày 19-12, Ban Giám hiệu trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã trao đổi với phóng viên báo An ninh Thủ đô về vấn đề này.

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con khiếm thị học ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), gần đây, họ phải đóng thêm nhiều khoản tiền. Phụ huynh cũng cho biết, tiền bữa ăn của học sinh khiếm thị bán trú và nội trú trong trường bị tăng lên rất cao so với trước.

Chênh lệch lớn giữa bữa ăn học sinh khiếm thị và sáng mắt

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ chiều 19-12, Ban Giám hiệu, đại diện Ban phụ huynh nhà trường và phụ huynh học sinh khiếm thị đều có mặt để giải thích bởi sự việc được phản ánh đang gây hiểu nhầm, thậm chí tổn thương đến các bên.

Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, bà Phạm Thị Kim Nga cho biết, từ lúc thành lập, trường đã đặt mục tiêu là ngôi nhà đặc biệt của trẻ khiếm thị vì vậy mọi việc từ giảng dạy, chăm sóc đến tìm tài trợ hỗ trợ kinh tế, việc làm đều được chú trọng, dành mọi ưu tiên cho học sinh khiếm thị.

“Sự việc được phản ánh cho thấy đang có sự đánh giá không đúng về bản chất vấn đề do còn một bộ phận phụ huynh chưa tiếp cận với thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình” - bà Nga nói.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu giải thích, mức ăn của các cháu khiếm thị trước đây là 15.000đ/ bữa chính, 5.000đ/bữa sáng, cả ngày là 35.000đ. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, phụ huynh thống nhất nâng mức ăn của các cháu khiếm thị lên bằng các cháu không khuyết tật (12.000đ/ bữa sáng; Khối Tiểu học: 23.000đ/ bữa chính; Khối THCS: 25.000đ/ bữa chính).

Bữa ăn 15.000 đồng của học sinh khuyết tật trường Nguyễn Đình Chiểu đã được nâng lên 25.000 đồng

Sở dĩ có sự thay đổi này là vì mức ăn 15.000 đồng/học sinh khiếm thị tồn tại từ lâu nay. Trước đó Sở GD-ĐT có hỗ trợ 3 biên chế nấu ăn. Hiện chỉ còn 2 người với 176 cháu, mỗi cô theo phân công chỉ có thể nấu cho 50  người nên không thể đảm đương hết phần việc.

Bên cạnh đó, nhà trường và ban phụ huynh học sinh khiếm thị cùng đặt vấn đề về sự chênh lệch bữa ăn giữa học sinh sáng mắt và học sinh khiếm thị, tồn tại 2 bếp ăn, 2 mức ăn khác nhau trong cùng một trường.

Do vậy nhà trường đã đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh trong việc tăng mức ăn của học sinh khiếm thị để đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về thể chất và sự bình đẳng trong việc chăm sóc học sinh khiếm thị.

Tuy nhiên, bà Lan cho biết, dù đã tăng mức ăn của học sinh khiếm thị nhưng nhà trường vẫn đảm bảo tìm nguồn tài chính hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, miễn phí hoặc giảm tiền ăn.

Bản thân học sinh khiếm thị cũng được Công ty Hương Việt Sinh hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng trừ cho phụ huynh suất đóng tiền ăn nên chỉ phải đóng 23.000-25.000 đồng trong khi học sinh thường đóng 28.000 đồng/bữa.

Hiểu nhầm gây tổn thương?

Ông Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiều bày tỏ: “ Tôi rất bàng hoàng khi đọc thông tin học sinh khiếm thị phải chạy đua với học sinh mắt sáng tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Điều này khiến phụ huynh của những học sinh khiếm thị rất đau lòng”.

Theo ông Cương, gần 10 năm làm phụ huynh của trường, gia đình nhận thấy công sức của thầy cô chăm sóc các con đều rất tốt ở các nội dung chăm sóc, dạy dỗ bởi mỗi gia đình có trẻ mắt sáng đã vất vả thì các thầy các cô phải chăm sóc gần 200 cháu khiếm thị thì còn vất vả đến đâu.

“Trước đây mức ăn 15.000 đồng tốt lắm rồi. Tuy nhiên, với thời điểm hiện nay, mức ăn này đã không phù hợp. Nguyện vọng của phụ huynh muốn tăng mức ăn là chính đáng bởi nếu chỉ 15.000 đồng thì không đảm bảo sức khoẻ”.

Ông Cương cũng chia sẻ khó khăn với nhà trường vì trước ngân sách và tổ chức hỗ trợ nhiều nhưng thực tế nguồn hỗ trợ không nhiều như trước. “Quan điểm của đa số phụ huynh chúng tôi là con em khiếm thị nhưng phải vươn lên chứ không trông chờ vào hỗ trợ” – ông Cương cho biết.

“Việc này đã được bàn cách đây 1 năm và triển khai từ đầu năm học này. Ban Giám hiệu cũng có chính sách hợp lý như gia đình khó khăn không phải đóng tiền học, được hỗ trợ tiền ăn. Tôi nghĩ rằng, tâm tư nguyện vọng của phụ huynh đề nghị nâng tiền ăn cho con để hòa nhập với học sinh mắt sáng là chính đáng” – ông Cương nhấn mạnh.

Nhiều phụ huynh mong muốn được tăng mức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho con em

Ông Nguyễn Xuân Kiên, một phụ huynh khác chia sẻ, con ông đang ở nội trú, ăn 3 bữa ở trường. “Chăm sóc học sinh khuyết tật rất khó khăn, các cô chăm sóc rất vất vả. Tôi đã nghe ý kiến trái chiều của một số phụ huynh nhưng đây chỉ là số ít và không phản ảnh đầy đủ mong muốn của phụ huynh có con khiếm thị đang theo học tại trường” – ông Kiên khẳng định.

Theo ông Kiên, mức đóng 15.000 đồng/bữa ăn như trước không đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh khiếm thị. Việc đóng cao hơn và được sinh hoạt hoà nhập với các bạn mắt sáng ăn trên lớp khiến các con hào hứng về cả chất lượng bữa ăn với thực đơn thay đổi hàng ngày lẫn việc được giao lưu, sinh hoạt cùng các bạn mắt sáng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Thanh tra của trường PTCS Nguyễn Đình Chiều cho biết, Ban Thanh tra có thực hiện tham gia giám sát các hoạt động của nhà trường trong đó có giám sát quy trình cung cấp bữa ăn ở trường thì đến nay đều đảm bảo đủ định lượng, thức ăn nóng sốt...

Cũng là giáo viên giảng dạy tại trường, cô giáo đại diện Ban Thanh tra chia sẻ: “Những thông tin gần đây khiến bản thân các cô vốn rất tâm huyết hỗ trợ các con, thương các con thiệt thòi không có đôi mắt sáng như các bạn thấy rất đau lòng vì bị hiểu lầm. Chúng tôi thấy điều này ảnh hưởng không ít đến tâm lý giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, dù còn có những khúc mắc nhưng chúng tôi đều nhất trí sẽ nỗ lực hỗ trợ các con tốt hơn nữa để phần nào bù đắp cho những thiệt thòi của các con”.