Hệ thống tiêu thoát nước ở hà nội:

Năng lực yếu - vi phạm nhiều

ANTĐ - Lượng mưa năm nay được nhận định sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN), và thường xuyên gây ngập lụt cho các đô thị lớn như Hà Nội khi hệ thống thoát nước còn yếu kém. Trong khi đó, các sông tiêu nước cho nội thành năng lực lại hạn chế.

Sông Nhuệ - sông tiêu úng chính cho Hà Nội tắc nghẽn bởi vi phạm

Chưa mưa đã ngập

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, Hà Nội đã bị ảnh hưởng của 2 cơn bão, số 2 và số 3, tổng lượng mưa đo được khoảng 635mm, cao hơn cùng kỳ hơn 100mm. Cơn bão số 2 có lượng mưa chỉ đạt mức 140mm nhưng khu vực ngoại thành phải vận hành 87 trạm bơm với 326 máy bơm dã chiến để tiêu úng. Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, do lượng mưa rải đều nên đến thời điểm này dung tích nước ở các hồ chứa đã gần ngưỡng thiết kế, một số hồ bắt đầu tràn tự chảy. Hồ Đồng Sương (Chương Mỹ) mực nước đạt 18,35/18,2m; hồ Văn Sơn (Chương Mỹ) được 19,6/19,5m, các hồ khác hiện cũng gần ngưỡng tràn.

Một số tuyến sông “huyết mạch” làm nhiệm vụ thoát úng cho khu vực nội thành Hà Nội như sông Nhuệ, Tích, Đáy... năng lực tiêu thoát quá yếu. Cơn bão số 3 vừa qua, lượng mưa không lớn nhưng nước trên các sông đã dâng cao. Hôm 2-8, mực nước sông Nhuệ tại Liên Mạc đạt 4,26/4,68m, tại Hà Đông đã vượt 4,5/4,48m... Nhiều người cho rằng, nếu lượng mưa ở mức cao hơn, 200 đến 300mm, lưu lượng nước đổ về lớn nước sông Nhuệ sẽ tràn vào một số khu vực thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc vi phạm hành lang bảo vệ đê điều diễn ra phức tạp khiến lưu lượng thoát chậm, dòng chảy ách tắc, dù mưa không lớn nước sông đã dâng cao.


Hàng nghìn vi phạm bỏ ngỏ

Dù hàng năm, phương án PCLB của TP đều có nhiệm vụ xử lý vi phạm đê điều và hành lang thoát lũ, nhưng năm này qua năm khác, vi phạm chồng vi phạm, ngày một phức tạp và gia tăng. Hiện tại, gần 5.000km đê các loại trên địa bàn TP đang phải “gồng mình” gánh chịu vi phạm với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Dù năm nào cũng xử lý rầm rộ nhưng kết quả không được bao nhiêu.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhận định, vẫn còn tư tưởng chủ quan, xem nhẹ nhiệm vụ PCLB ở một số địa phương, đơn vị. Đáng lo là vi phạm hành lang thoát lũ ngày càng nhiều, nhưng giải tỏa, xử lý lại yếu kém. “Không thể cứ nói vi phạm ngày càng nghiêm trọng nhưng không ai đặt vấn đề xem phải xử lý như thế nào?. Đã đến lúc phải xem xét lại trách nhiệm và các quy định của luật về đê điều và PCLB”- Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu.

Trước thực trạng hiện hầu hết các hồ đã vượt mức thiết kế, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt đề nghị, các địa phương, đơn vị quản lý hồ phải tính đến phương án xả tràn. Tuy nhiên, trước khi xả phải thông báo cho vùng hạ du biết để có phương án bảo vệ người và tài sản. Còn phương án chống lụt úng cho TP trong những tháng tới là sửa chữa kịp thời 437 trạm với gần 2.000 máy bơm các loại để sẵn sàng làm nhiệm vụ chống úng.