Năng lực cán bộ thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu

ANTĐ - Ngày 18-7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình “Phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước”. Nhiều ý kiến đánh giá, tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, ngày càng tinh vi, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Năng lực cán bộ thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu ảnh 1
Khai thác tài nguyên, khoáng sản là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (Ảnh minh họa)


Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, công tác phòng chống tham nhũng hiện đã có những chuyển biến tích cực. Tham nhũng trên một số lĩnh vực đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, ông Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn nhìn nhận, tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, ngày càng tinh vi, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Đặc biệt, một số lĩnh vực nhạy  cảm dễ xảy ra tham nhũng là tín dụng Ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng vốn, tài sản  Nhà nước... Ngay trong nội bộ Thanh tra Chính phủ từ năm 2009 đến nay đã xử lý 11 trường hợp vi phạm có liên quan đến hành vi tham nhũng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2009, tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, thiệt hại trong các vụ tham nhũng là 700 tỷ đồng, nhưng mới thu hồi được hơn 350 tỷ đồng. Năm 2010 đã phát hiện 193 tỷ đồng, 516,8 ha đất liên quan tham nhũng nhưng chỉ thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1 ha đất. Năm 2012 đã thu hồi, nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng... Người đứng đầu ngành thanh tra thừa nhận, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu ở cấp cơ sở. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý thông qua thanh tra, kiểm tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. 

Có mặt tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tài chính chủ yếu là lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, nâng khống giá hoặc “gửi giá” khi mua bán vật tư, tài sản, dịch vụ hay chuyển lợi nhuận cho các công ty là “sân sau” để trục lợi... Từ 2009 đến nay, ngành tài chính đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 32.735 tỷ đồng. Tổng Cục Thuế đã phát hiện 10 vụ tham nhũng, xử lý kỷ luật 12 người, cơ quan điều tra phát hiện 12 người, xử lý hình sự 28 người; hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 1.681 tỷ đồng chi ngân sách không đúng chế độ.

Tại phiên giải trình, các ĐBQH đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vì sao tham nhũng còn nghiêm trọng nhưng phát hiện ít, nhiều vụ việc bị hành chính hóa. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu ra 2 vụ việc gây thất thoát hàng chục tỷ đồng nhưng chưa thấy khởi tố vụ án. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) băn khoăn: “Thống kê cho thấy, có đến 2/3 số vụ việc liên quan tới tham nhũng chỉ xử lý hành chính. Xử lý như vậy đã chính xác chưa?”. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu thực tế, lĩnh vực đấu thầu có nhiều tiêu cực, gây thất thoát, thiệt hại rất lớn nhưng chưa thấy rõ kết quả phát hiện, xử lý vi phạm. Ông đề nghị: “Thanh tra Chính phủ cần phải có giải pháp cụ thể là gì?”. Cũng tại phiên giải trình, nhiều ĐBQH cho rằng, các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Có ý kiến tỏ ra chưa tin tưởng kết quả  báo cáo của Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT khi cho biết, không phát hiện ra vi phạm, tham nhũng trong khi dư luận luôn đánh giá tài nguyên, đất đai, chạy chức chạy quyền... là những lĩnh vực rất nóng.

Ghi nhận ý kiến các ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế chủ yếu là do trình độ, năng lực của cán bộ thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được đào tạo chuyên sâu như cán bộ điều tra. Quá trình thanh tra phải thực hiện nhiều mục đích nhưng thời gian thanh tra có hạn, hành vi tham nhũng lại tinh vi nên rất khó phát hiện. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị, cần xây dựng đội ngũ tốt, tăng cường giám sát, công khai, minh bạch hoạt động thanh tra, tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thanh tra. 

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để khắc phục những hạn chế đã nêu trong công tác phòng, chống tham nhũng, cần chính quyết tâm và chuyển biến của những người đang thực thi công vụ. Ông nhấn mạnh, chủ trương một thì biện pháp phải mười. Phải đề cao trách nhiệm cá nhân, tăng cường minh bạch trong hoạt động công vụ. Cần có quy chế quản lý các đoàn thanh tra, kiểm toán. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm những cán bộ làm việc không trong sáng, thiếu sự công tâm khách quan cũng như loại ra khỏi bộ máy những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực...