Nặng lòng với bệnh nhân nghèo

(ANTĐ) - Ngày nay, khi những vấn đề về y đức đang bị xã hội đánh giá lệch lạc đi, thì vẫn có những câu chuyện mà không mấy người biết hoặc để ý đến. Đó là hình ảnh những thầy thuốc ngày đêm tận tình vì tính mạng của bệnh nhân nghèo.

Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai:

Nặng lòng với bệnh nhân nghèo

(ANTĐ) - Ngày nay, khi những vấn đề về y đức đang bị xã hội đánh giá lệch lạc đi, thì vẫn có những câu chuyện mà không mấy người biết hoặc để ý đến. Đó là hình ảnh những thầy thuốc ngày đêm tận tình vì tính mạng của bệnh nhân nghèo.

Cứu chữa cho một bệnh nhân ở Hòa Bình bị rắn cắn

Cứu chữa cho một bệnh nhân ở Hòa Bình bị rắn cắn

“Thà nợ chứ không để bệnh nhân chết”

Tại một cuộc họp giao ban các đơn vị trực thuộc BV Bạch Mai, Trung tâm Chống độc bị Ban Giám đốc BV phê bình vì số tiền nợ lên đến hơn 200 triệu đồng. Nhưng phê bình nhiều chứ không ai nỡ trách phạt, bởi đằng sau khoản tiền nợ đó là cả câu chuyện cảm động về tấm lòng nặng một chữ tâm của y bác sĩ Trung tâm Chống độc. Hóa ra, đây là số tiền nợ viện phí mà một bệnh nhân nghèo ở Hòa Bình không có khả năng chi trả đã để lại cho Trung tâm…

Trước đó, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, phải huy động các trang thiết bị, các loại thuốc men, dịch truyền… tốt nhất mới hy vọng cứu sống được. Éo le ở chỗ, bệnh nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trung tâm Chống độc khi đó, đứng đầu là Giám đốc Phạm Duệ đã quyết định xin “tạm ứng” toàn bộ tiền thuốc men, quả lọc thận… của BV Bạch Mai để cứu sống bệnh nhân.

Khoảng tháng 3 năm 2006, một gia đình ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang, 8 người ăn phải nấm độc trong bữa cơm thì 6 người chết, chỉ còn 2 người được cứu sống, trong đó bệnh nhân nặng hơn là Tráng Thị Sang được chuyển xuống Trung tâm Chống độc điều trị. Bệnh nhân cần phải lọc thận ngay nếu không sẽ tử vong.

 Thời đó, việc lọc thận không được BHYT chi trả, chưa kể đến nhiều thứ phải chi phí khác, từ tiền thuốc không BHYT đến xét nghiệm, từ tiền dinh dưỡng đến cả tiền mua… bỉm cho bệnh nhân. Ngoài việc quyết định miễn giảm một phần viện phí, Trung tâm Chống độc đã kêu gọi toàn bộ cán bộ nhân viên trong Trung tâm đóng góp 1 ngày lương hoặc ứng tiền cho BV… vay nóng để cứu chữa bệnh nhân.

Sau đó, TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm, người được mệnh danh là “ông từ thiện” của BV đã liên hệ tìm các nhà tài trợ, đăng tin trên đài báo… để kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Khi Sang đã xuất viện, vẫn còn một nhà hảo tâm gửi 10 triệu đồng đến ủng hộ cho em. Số tiền này, Trung tâm Chống độc đã chuyển về địa phương và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên đã trực tiếp mang đến trao tận tay Sang.

Làm từ thiện cần nhất tấm lòng

Việc thành lập được Quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo luôn là khát vọng cháy bỏng đối với những người giàu tâm huyết của Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai. Còn nhớ cách đây chừng 2 năm, bệnh nhân Nông Đoàn Dưỡng, người dân tộc Tày, huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) vào Trung tâm cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nặng do ong vò vẽ đốt.

Trong thời gian ngắn, chi phí điều trị ngoài BHYT của bệnh nhân đã lên đến hơn 40 triệu đồng, trong khi gia đình chỉ nộp được 10 triệu đồng rồi một mực xin về… để bệnh nhân được chết. Thế rồi sau gần 4 tháng điều trị, bệnh nhân Dưỡng đã được cứu sống thành công nhờ hơn 248 triệu đồng chi phí điều trị do Trung tâm kêu gọi được các nhà hảo tâm quyên góp.

Khoản dư còn lại từ số tiền do các nhà hảo tâm ủng hộ bệnh nhân Dưỡng, sau khi xin ý kiến lãnh đạo BV Bạch Mai và các nhà tài trợ chính, Trung tâm Chống độc đã quyết định quản lý để hỗ trợ các bệnh nhân lọc máu không có tiền chi trả. Đến nay, số tiền đó đã góp phần hỗ trợ lọc máu cứu chữa được thêm 6 bệnh nhân khác và sẽ còn tiếp tục được sử dụng đúng mục đích trong việc cứu chữa các bệnh nhân nghèo tiếp theo.

Đến giờ, TS Phạm Duệ vẫn không khỏi bồi hồi: “Năm nào tại BV chúng tôi cũng có vài trường hợp bệnh nhân nặng xin được về… để chết vì không có tiền điều trị. Nhiều bệnh nhân khi đến BV nói tiếng Kinh không sõi, hành lý đi đường chỉ có vài triệu, vài trăm nghìn đồng, thậm chí không còn đủ tiền xe cộ đi lại. Tuy nhiên, cái tâm và lương y người thầy thuốc không cho phép chúng tôi khoanh tay ngồi nhìn, bằng mọi cách không được để bệnh nhân chết vì… không có tiền”.

Nghe và từng được trực tiếp chứng kiến những câu chuyện cảm động đó, chúng tôi - những cán bộ của một đơn vị làm từ thiện có truyền thống và uy tín trong làng báo Việt Nam cảm nhận được một sự đồng cảm kỳ lạ với các y bác sĩ Trung tâm Chống độc, những người vì cái tâm với bệnh nhân nghèo mà không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn còn lặn lội xoay sở, kêu gọi tài chính nhằm mang lại cơ hội sống cho họ. Chúng tôi thấm nhuần rằng, muốn làm từ thiện có hiệu quả cần có một tấm lòng.

Tiến Hưng