Nâng hàm lượng chất xám

ANTĐ - Dưới con mắt của một số chuyên gia, cỗ máy tăng trưởng kinh tế có bốn “động cơ”, đó là kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hộ nông nghiệp-cá thể. Hiện nay, “động cơ” FDI hoạt động tốt nhất, nhưng cũng đã bộc lộ những bất cập như giá trị gia tăng nội địa thấp, công nghệ thấp ít có khả năng chuyển giao, nâng đỡ cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời nặng về tận thu tài nguyên, nguyên vật liệu sản xuất cũng như nguồn lao động giá rẻ.

Nhận định trên được rút ra tại cuộc hội thảo “Chủ trương, chính sách mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài” do Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức. Những tồn tại này, theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn do tâm lý thu hút nguồn vốn FDI bằng mọi giá và thiếu chiến lược ngay từ đầu. Không phủ nhận những đóng góp tích cực của nguồn vốn FDI đã mang lại những hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm. Ngay cả trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc đón dòng vốn ngoại cũng rất cần thiết.

Tuy vậy, một Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hơn 25 năm qua, việc thu hút FDI được thực hiện “một cách hồn nhiên”, không có chiến lược. Vì không có lộ trình bài bản nên nhiều địa phương chạy đua “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư bằng mọi giá, dẫn đến 80% doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng công nghệ trung bình của thế giới; 14% ở mức thấp và lạc hậu, hao tổn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, chỉ có 6% sử dụng công nghệ cao. Thực chất, hầu hết doanh nghiệp trong nước không “học tập” và tiếp thu để cải thiện công nghệ, trình độ của mình qua liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp FDI.

Một thực tế đáng lo ngại là, tính tới thời điểm này, 70% dự án có vốn FDI từ 1 tỷ USD trở lên chưa được triển khai hoặc đã bị rút giấy phép; 70% dự án sân golf không nằm trong quy hoạch được phê duyệt; trên 60% dự án khu công nghiệp chưa được lấp đầy. Đặc biệt, có tới 80% khu công nghiệp đã triển khai để lại hậu quả ô nhiễm với những mức độ khác nhau, chất thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường. Các dự án FDI chưa hỗ trợ cho việc thay đổi bộ mặt công nghệ của Việt Nam, chưa có tác dụng lan tỏa hay thúc đẩy, lôi kéo kinh tế trong nước. Không ít địa phương đã phải nhận “quả đắng” khi mời gọi đầu tư nước ngoài. Cũng phải thừa nhận rằng, chính những yếu kém nội tại của nền kinh tế, sự nôn nóng, ấu trĩ trong thu hút đầu tư FDI đã khiến khả năng “tiêu hóa” vốn, công nghệ bị hạn chế và tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa thấp.

Tới nay, sau khi trải qua một chặng đường khá dài thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá “một cách hồn nhiên”, những gì “gặt hái” được quả thật là quá nhỏ bé so với những hệ lụy và hậu quả. Đã đến lúc phải chấm dứt thu hút vốn ngoại bằng mọi giá, tập trung đầu tư FDI vào công nghệ có hàm lượng chất xám cao. Cái giá đầu tư bằng mọi giá thực sự là quá đắt.