Nặng gánh phí đường bộ theo hạ tầng giao thông

ANTĐ - Xã hội hóa hạ tầng giao thông là cần thiết để phát triển kinh tế, xã hội nhưng cùng với đó là phí đường bộ đang bủa vây doanh nghiệp và lái xe. Trạm thu phí BOT mọc lên như nấm, trong khi đó hàng tháng người dân, doanh nghiệp vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Trạm BOT rào kín quốc lộ

Hệ thống giao thông dần hoàn thiện, nhiều tuyến đường mới được nâng cấp và mở rộng, thời gian đi lại cũng giảm đáng kể. Nhưng kéo theo đó là chi phí đường bộ của người dân, doanh nghiệp cũng tăng lên rõ rệt.

Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách ở Hà Nôi chia sẻ: “Doanh nghiệp có hơn 100 xe ô tô kinh doanh vận tải khách hợp đồng. Mỗi tháng tiền phí bảo trì đường bộ phải đóng lên tới mấy chục triệu đồng. Xe ô tô kinh doanh vận tải thì phần lớn chạy trên quốc lộ, nhưng hầu hết các tuyến quốc lộ đều có trạm BOT. Vô hình trung, doanh nghiệp vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng tháng và mất phí qua trạm BOT hàng ngày”.

Anh Ngô Đức Tuấn, ở Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy đặt câu hỏi: “Xe ô tô chỉ chạy trong nội thành là không mất phí trạm BOT, còn cứ ra khỏi Hà Nội là phải mất phí trạm BOT. Vậy tiền quỹ bảo trì tôi đóng 130.000 đồng/tháng để làm gì?”.

Nặng gánh phí đường bộ theo hạ tầng giao thông ảnh 1

Phí đường bộ là một gánh nặng lớn cho người dân, doanh nghiệp vận tải

Theo phân tích của anh Tuấn, nếu từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh hay đi Nam Định, Thái Bình, lên Lào Cai… đều phải qua các trạm phí BOT. Sắp tới, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng sẽ thu phí, trong khi đó vào năm 2013 tuyến đường này mới được xóa bỏ trạm thu phí. Tất cả các tuyến đường từ Hà Nội đi các tỉnh đều bị rào kín bởi trạm BOT.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hoàn toàn ủng hộ chủ trương xã hội hóa hạ tầng giao thông của Bộ GTVT, muốn có hạ tầng giao thông hiện đại, phát triển, không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước hay vốn ODA.

 Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, người sở hữu phương tiện hàng tháng ngoài việc phải đóng phí bảo trì đường bộ (thấp nhất là xe cá nhân dưới 10 chỗ ngồi 130.000 đồng/tháng, cao nhất là xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng từ 27 tấn trở lên là 1.040 triệu đồng/tháng), còn phải chịu phí qua các trạm BOT. 

Từ năm 2013, Bộ GTVT đã xóa bỏ một số trạm thu phí trên các tuyến đường làm bằng vốn ngân sách, vốn ODA. Song, cũng từ 2013 đến nay, số trạm thu phí BOT mọc lên rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn số trạm thu phí đã xóa. 

Cần minh bạch thời gian thu phí hoàn vốn

Không nên khoán trắng cho nhà đầu tư BOT, phải kiểm soát ngay từ khâu lập dự án, khâu tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, nếu cần thiết có thể thuê kiểm toán độc lập, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào Bộ GTVT, Bộ Tài chính. “Phải tính toán lượng xe minh bạch, nếu thu hồi vốn nhanh thì phải giảm thời gian thu phí, còn nếu lượng thu ít thì cũng tính toán kéo dài thời gian hoàn vốn. Hơn nữa, người dân phải chịu cả phần lãi vay vốn ngân hàng để làm đường của nhà đầu tư thông qua đóng phí?”, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay.

Theo một chuyên gia trong ngành vận tải, việc kêu gọi vốn xã hội hóa tham gia hạ tầng giao thông là cần thiết, nhưng chúng ta vẫn chưa minh bạch, nhất là khâu dự toán thời gian thu phí hoàn vốn. Đến năm 2016, trên hệ thống quốc lộ cả nước sẽ có 69 trạm thu phí hoàn vốn BOT, trong đó có 33 trạm lập mới đã ký hợp đồng BOT.

Theo tiến độ xã hội hóa của Bộ GTVT, đến năm 2020, trên hệ thống quốc lộ quy hoạch 102 trạm thu phí, trong đó có 33 trạm lập mới. Đáng nói, phí thu qua các trạm BOT đều cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với quy định. Bởi vậy, từ các Hiệp hội Vận tải đến người dân đều cho rằng, Bộ GTVT nên tính toán lại mức thu phí bảo trì đường bộ trong bối cảnh quá nhiều các trạm BOT đã, đang và sẽ mọc lên.