Nặng gánh nghĩa tình

ANTĐ - Có người bạn hỏi tôi: “Trong suốt quãng thời gian làm báo, ông ngại thể loại tin  nào nhất?”. Tôi trả lời ngay: “Bão lụt”. Bạn lại thật thà: “Ông ở thành phố, lấy đâu ra lụt?”. “Lụt là cả tòa soạn chúng tôi, từ quân đến tướng đều nháo nhào lội bùn vào rốn lũ cứu trợ. Và ở nơi khốn cùng ấy, chúng tôi khó cầm lòng khi thấy nỗi sợ hãi và cơ cực của đồng bào”.

Nặng gánh nghĩa tình ảnh 1
Đồng chí Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo ANTĐ tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Y Tý,
huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tháng 5-2013


Dấu ấn không quên

Khi nói với bạn về nỗi sợ bão lụt là tôi nói thực lòng mình. Nỗi sợ ấy không phải là sợ vất vả, cực nhọc trên những cung đường lầy lội xa tít tắp. Cái sợ của tôi là cảm giác buốt lòng khi phải nhìn thấy những cánh đồng trĩu hạt bỗng ngập trắng mênh mông nước; sợ phải thấy những gương mặt hốc hác, thất thần vì chỉ sau một đêm mưa gió nay đột ngột trắng tay; sợ phải thấy những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác vì mấy ngày liền không có nổi gói mỳ tôm bỏ bụng; sợ phải thấy cảnh làng xóm xác xơ lặng ngắt, tiêu điều. Những hình ảnh ấy chúng ta đều có thể bắt gặp ở bất kỳ xóm làng nào dọc dải đất nghèo khó miền Trung – nơi mà năm nào bão lũ cũng “ghé thăm”.

Tôi vẫn nhớ như in 2 trận lũ lịch sử năm 2010 khi cùng đi với Phó Tổng biên tập Vũ Kim Thành vào Hương Khê, Hà Tĩnh cứu trợ đồng bào ngay khi lũ bắt đầu rút. Hình ảnh mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Mậu, ở xóm Bình Thọ, xã Lộc Yên ngồi thu lu trên mái nhà hàng xóm với nồi nhút (xơ mít muối) để cầm cự với mưa gió, bão bùng suốt gần 1 tuần khiến ai cũng ứa nước mắt. Tài sản còn lại duy nhất của mẹ Mậu sau cơn đại hồng thủy là bộ quần áo trên người và cái… giếng nước sau nhà. Còn bao nhiêu thứ khác thủy thần đã mang đi cả. Đã nghèo nay còn thêm khó. Nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi, nếu hôm ấy đoàn cứu trợ của Báo An ninh Thủ đô không kịp thời có mặt thì không biết mẹ Mậu sẽ còn phải khó khăn xoay xở thế nào. 

Hay như anh Lê Văn Nhân, ở thôn 3, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Anh Nhân là thương binh chống Mỹ, lại nhiễm chất độc Dioxin. Một mình anh vừa phải vật lộn chống chọi với cơn lũ, vừa phải lo miếng ăn và sự an toàn cho 3 đứa con cùng chị vợ mắc bệnh thần kinh. Hôm chúng tôi đến, bố con anh đang tính đổ thúng thóc đã ngập nước tới 4 ngày - làm thực phẩm cho bữa tối. Cầm số tiền chúng tôi gửi tặng, kế hoạch chi tiêu đầu tiên mà anh Nhân nghĩ tới là mua gạo bởi: “Lũ nhỏ đã đói mấy bữa ni rồi”. Và không chỉ có Hương Khê, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mà còn có Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Quảng Bình) hay Bình Sơn, Trà Bồng (Quảng Ngãi), dọc mảnh đất miền Trung ruột thịt còn có rất nhiều cảnh đời, có rất nhiều những xóm làng mà người dân cơ cực như anh Nhân, mẹ Mậu.

Thượng tá An Văn Huân - Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ và 2 ca sỹ Anh Thơ, Trọng Tấn 
trao quà cho bà con vùng lũ huyện Minh Hóa, Quảng Bình

Những tấm lòng rộng mở

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những người bạn tốt luôn đồng hành với Báo An ninh Thủ đô. Cứ những dịp chúng tôi phát động bạn đọc quyên góp để gửi tới đồng bào hoạn nạn, mỗi ngày dễ có tới cả trăm người tìm tới tòa soạn. Tôi vẫn nhớ các buổi sáng, khi cơ quan bắt đầu ngày làm việc mới thì mọi cán bộ kế toán tài vụ đã túi bụi với việc biên nhận, ghi chép những món quà thơm thảo của đồng bào Thủ đô. Đó còn là những đồng bạc của cô Ba bán vé số hay anh Sáu chạy “xe ôm” gửi tới từ phương Nam. Đó còn là khoản tiền của một nhóm các em học sinh, sinh viên đã bảo nhau bớt đi khẩu phần ăn sáng. Nhiều cán bộ nhân viên dành ra một ngày lương của mình, rồi tìm tới tòa soạn ủy thác cho An ninh Thủ đô một việc nghĩa. Và hầu hết họ đến trao cho chúng tôi rồi ra đi trong lặng lẽ.

Ai cũng biết trong năm qua, kinh tế đất nước khó khăn đến chừng nào. Từ mỗi người dân tới các doanh nghiệp lớn, tất cả đều vất vả, cố gắng xoay xở để duy trì hoạt động, vươn lên và vượt qua khó khăn chung. Thứ duy nhất mà chúng tôi không thấy thay đổi đó chính là tấm lòng thơm thảo và nghĩa tình của họ. Dường như càng khó khăn, người Việt càng xích lại gần nhau. Sở dĩ tôi dám khẳng định như vậy bởi mới đây thôi, khi nghe tin Báo An ninh Thủ đô quyên góp cho đồng bào vùng lũ, những cán bộ của Hiệp hội Sơn miền Bắc đã lập tức đồng hành cùng chúng tôi lên đường với hàng chục tấn gạo cùng quần áo, thuốc men. Hay như Tập đoàn Vingroup thông qua Quỹ Thiện Tâm đã khẩn trương mang tới hàng trăm suất quà, cùng Báo An ninh Thủ đô hỗ trợ cho những hộ gia đình nghèo ở nhiều địa phương. Rồi những tên tuổi lớn như Prudential hay 

Ajinomoto đã luôn sát cánh cùng An ninh Thủ đô trong việc xây dựng nhà tình nghĩa cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai… 

Tôi vẫn nhớ sự xót xa, lo lắng của bà Hải Duyên, Giám đốc Thẩm mỹ viện Hải Duyên – một Mạnh Thường Quân luôn cùng Báo An ninh Thủ đô đến với đồng bào nghèo vào dịp Tết. Có lẽ đây là một trong số ít những doanh nghiệp luôn coi việc phối hợp với Báo An ninh Thủ đô trong công tác  xã hội từ thiện là một phần kế hoạch kinh doanh của mình. Vốn xuất thân trong gian khó, thế nên bà Duyên bảo: “Nhìn người dân, nhìn lũ trẻ đói rách là thấy lòng không chịu nổi. Nó cứ thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó”. Và “cái điều gì đó” của bà Duyên là tìm tới chúng tôi để cùng đến với những cảnh đời bất hạnh. Có lẽ chỉ có người nghèo mới xót thương và sẵn sàng chia sẻ với người nghèo.

Đại tá Vũ Kim Thành - Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ trao quà cứu trợ bà con vùng lũ Hương Sơn,
 Hà Tĩnh tháng 10-2013

Sẵn sàng lên đường

Tôi không định kể công với bạn đọc, nhưng quả thật nếu không có sự chung tay giúp sức của các bạn, hẳn cán bộ phóng viên Báo An ninh Thủ đô sẽ không đủ sức để đến với đồng bào nhiều nơi gặp khó khăn, hoạn nạn. Dẫu có thể những sự giúp đỡ của chúng ta còn quá nhỏ so với những khó khăn, vất vả mà bà con phải hứng chịu, nhưng ít nhất cũng thể hiện rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Và cơ bản, việc đó khiến đồng bào của chúng ta biết rằng: Họ không đơn độc khi hoạn nạn.

Chính vì suy nghĩ như vậy nên mới đây thôi, ngay khi 2 cơn bão số 10 và 11 vừa kịp tan thì cũng là lúc những chuyến xe đầy ắp hàng hoá, sách vở, gạo và nhu yếu phẩm của Báo An ninh Thủ đô lại hối hả lên đường. Hàng trăm suất quà gồm gạo, mỳ, quần áo, thuốc men… được những phóng viên Báo An ninh Thủ đô trao tận tay hàng trăm hộ dân nghèo của các xã Sơn Thịnh, Sơn Long, Sơn Mỹ… thuộc huyện Hương Sơn – những đồng bào mà dường như năm nào thiên tai cũng chỉ chực nhằm mái tranh nghèo của họ rồi trút xuống. Chỉ những ai đã từng đặt chân tới vùng lũ thì mới hiểu hết ý nghĩa câu nói về 4 đại họa của con người “Thủy - Hỏa - Đạo - Tặc” mà từ ngàn xưa ông cha ta đã dạy. Chỉ trong nháy mắt, cơn cuồng nộ của thiên nhiên đã cuốn đi hết những gì mà người dân ki cóp cả đời, cuốn luôn cả những mơ ước nhỏ nhoi về một tương lai tốt đẹp của những đứa trẻ.

Tôi cũng còn nhớ trong chuyến cứu trợ lần 2 về các xã Xuân Hóa, Thượng Hóa thuộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình) hồi tháng 11 vừa rồi. Sau 2 trận bão, nhà chị Cao Thị Loan ở thôn Quang, xã Thượng Hóa coi như sạch bách. Tài sản duy nhất chị còn giữ được là đàn con lốc nhốc 6 đứa. Chỉ tay vào lũ trẻ, chị bảo: “Ông trời không lấy được thứ tài sản này vì thấy lũ cuốn, nhà đổ là nó biết chạy theo mẹ. Nhưng bây giờ mất hết rồi, biết nuôi chúng nó bằng gì?”. Không chỉ riêng chị Loan mà hàng chục gia đình của cái thôn khốn khó này cũng đều chung cảnh ngộ. Nhận bì gạo và túi quần áo từ tay chúng tôi, mắt chị Loan cứ ầng ậng nước. Chị khóc bởi trong lúc cùng quẫn nhất của mình, không ngờ vẫn có những người xa lạ sẵn sàng tìm đến và sẻ chia mất mát. Và chúng tôi ước, giá như tất cả những bạn đọc đã từng góp tiền, gạo, quần áo… để gửi tới đồng bào miền Trung ruột thịt cảm nhận được vị mặn chát của những giọt nước mắt biết ơn ấy. Tôi cũng ước những cầu thủ, huấn luyện viên, cổ động viên của giải bóng đá học sinh trung học Hà Nội - những người đã trực tiếp quyên góp tiền trước trận chung kết để gửi tới đồng bào miền Trung thấy được những món quà của họ đã tới đúng địa chỉ như thế nào.

Có lẽ chính với tinh thần “tận tâm, tận tay” như vậy mà hơn 20 năm nay, chúng tôi vẫn luôn cảm nhận được sức nặng của những “tấm lòng vàng” mà bạn đọc An ninh Thủ đô đã ký thác. Khi tôi viết những dòng này thì ở đâu đó trên những bản làng xa hút hay các nẻo đường mù sương, nhiều đồng nghiệp của tôi đang “tận tay” với những đồng bào nghèo miền núi để giúp  bà con có một cái Tết ấm áp sum vầy. Chúng tôi sợ cái đói, sợ cái nghèo, sợ cả thiên tai, bất hạnh đang thường trực với đồng bào mình. Vì thế, ở đâu có hoạn nạn là chúng tôi lại lên đường, bởi gánh “tấm lòng vàng” không chỉ là gánh những món quà cứu trợ mà còn là cả nghĩa tình với đồng bào mình. 

Ca sĩ Trọng Tấn: “Một chuyến đi đáng nhớ và đáng quý!”

Nặng gánh nghĩa tình ảnh 4

Cuối năm ngoái, tôi và ca sĩ Anh Thơ bàn nhau làm đêm nhạc từ thiện để ủng hộ đồng bào miền Trung vừa trải qua cơn bão dữ. Doanh thu từ đêm nhạc đó, chúng tôi mua được hơn 10 tấn gạo. Dù từng tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện đơn lẻ song đó cũng là lần đầu tiên tôi cùng Anh Thơ tự đứng ra tổ chức một chương trình riêng với mong muốn góp phần giúp đỡ đồng bào miền Trung. Song cũng vì thế mà chúng tôi loay hoay chưa biết sẽ liên hệ với người dân thế nào, ủng hộ ra sao. Cùng lúc ấy tôi nghĩ đến Báo An ninh Thủ đô vì biết Báo thường xuyên tự đứng ra tổ chức những hoạt động từ thiện, đặc biệt là Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, Đại tá Đào Lê Bình là người rất có tâm với hoạt động này. 

Vậy là tôi cùng ca sĩ Anh Thơ quyết định đồng hành cùng báo về với Quảng Bình - quê nhà và cũng là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó thật sự là một chuyến đi đáng nhớ và đáng quý khi lần đầu tiên tôi được trực tiếp trao quà đến từng người dân, được cảm nhận tình cảm ấm áp từ ánh nhìn và cái nắm tay nghĩa tình của đồng bào mình. Đáng quý hơn khi sau này tôi được biết địa điểm trao quà cho bà con cũng gần trạm y tế quân dân mà năm 1997 các cán bộ chiến sĩ của Báo An ninh Thủ đô từng lên tận đây trao tặng hàng chục triệu đồng để xây dựng, giúp bà con có nơi khám chữa bệnh. Lần đầu tiên cùng Báo An ninh Thủ đô làm từ thiện, chứng kiến mọi người trong báo tận tâm và chu đáo với bà con, tôi càng trân quý tấm lòng của các bạn. Và dù chưa hẹn nhưng chắc chắn tôi sẽ tiếp tục kết hợp cùng Báo An ninh Thủ đô để thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện nữa trong thời gian tới.

Những chuyến hàng “tận tâm, tận tay” đến với đồng bào

lKết thúc năm 2013 Báo An ninh Thủ đô đã tổ chức chuyển 2.000 suất quà đến tận tay đồng bào nghèo dịp Tết Quý Tỵ tại các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Lai Châu, Hòa Bình. 

lPhối hợp với Tập đoàn Vingroup tặng 200 suất quà cho gia đình CBCS CATP Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn và 100 xuất quà cho 100 hộ gia đình nghèo xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội.

lTặng 200 suất quà cho các cháu bé tại Viện Nhi TW. Hội Phụ nữ Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Hội Phụ nữ Bệnh viện CAPT tổ chức khám chữa bệnh cấp phát thuốc, tặng quà cho 180 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phú Kim, Thạch Thất (Hà Nội).

lBáo An ninh Thủ đô phối hợp với với Công ty Prudential Việt Nam và Công ty Ajinomoto xây dựng 3 nhà tình nghĩa cho 3 hộ nghèo tại thị xã Sơn Tây, Thạch Thất và Quốc Oai.

lTrợ cấp khó khăn đến 18 tuổi cho 8 cháu con cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội hy sinh và mất trong khi làm nhiệm vụ (mỗi tháng một cháu được 500.000 đồng).

lPhối hợp với Hiệp hội Sơn miền Bắc tặng 13 tấn gạo cùng quần áo, thuốc men, chất khử trùng tặng cho các xã Sơn Thịnh, Sơn Long, Sơn Mỹ thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khắc phục hậu quả sau bão lũ (tháng 10-2013).

lPhối hợp với 2 ca sỹ, Trọng Tấn-Anh Thơ tặng 10 tấn gạo cùng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho 2 xã Xuân Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).

lPhối hợp với Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup tặng 1.000 suất quà đón Tết Giáp Ngọ 2014 cho các hộ nghèo ở Phú Thọ, Hưng Yên và CBCS khó khăn thuộc CATP Hà Nội.