Nặng gánh công du cuối nhiệm kỳ

ANTD.VN - Tổng thống Barack Obama sẽ thực hiện chuyến công du cuối cùng tới châu Á trong cương vị người đứng đầu nước Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Lào vào đầu tháng 9 tới.

Nặng gánh công du cuối nhiệm kỳ ảnh 1Ông Barack Obama sẽ thực hiện chuyến công du thứ 11 và cũng là chuyến công du cuối cùng tới châu Á trong 2 nhiệm kỳ  làm Tổng thống Mỹ

Ngày 2-9, Tổng thống Barack Obama sẽ rời Washington đi châu Á để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9 tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Lào từ ngày   6-9. Đây là chuyến công du châu Á lần thứ 11 và cũng là chuyến thăm cuối cùng của ông Obama kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ đầu năm 2009 với chiến lược xoay trục nhằm chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Washington.

Không lâu sau khi đặt chân vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama đã công bố chính sách đối ngoại “tái cân bằng” mà theo đó sẽ thực hiện chiến lược xoay trục từ ưu tiên châu Âu-Ấn Độ Dương sang châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền Obama thực hiện chính sách xoay trục trên khi mà Nga đã suy yếu, không còn là đối thủ xứng tầm của Mỹ, song Trung Quốc lại trỗi dậy mạnh mẽ và nhất là có những hành động hung hăng đòi chủ quyền phi lý trên biển, gây căng thẳng và mất an ninh, an toàn hàng hải và hàng không nhiều vùng biển chiến lược ở Thái Bình Dương.

Thực hiện chiến lược xoay trục, Mỹ đã dần tăng cường lực lượng, nhất là về hải quân, để đưa tỷ lệ bố trí binh lực ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương từ 60%/40% thành 40%/60%. Cùng với việc xoay trục binh lực, chính quyền Tổng thống Obama cũng khẩn trương hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), coi đó như là một vũ khí hữu hiệu có tác dụng giảm bớt ảnh hưởng ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc tại châu Á.

Thế nhưng, bất chấp chiến lược xoay trục nhằm kiềm chế của Washington, Trung Quốc vẫn trỗi dậy mạnh mẽ, hung hăng đòi chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản và đặc biệt là cưỡng chiếm, bồi đắp hàng loạt bãi ngầm, đảo đá, rạn san hô ở Biển Đông thành các đảo nổi nhân tạo rồi biến chúng thành các bàn đạp, căn cứ quân sự để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Không chỉ tranh chấp, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại Thái Bình Dương, Trung Quốc còn gây hấn với Washington bằng các cuộc chiến tiền tệ, chiến tranh mạng…

Tất nhiên, những vấn đề chiến lược lâu dài kiềm chế Trung Quốc không thể giải quyết chỉ bằng một chuyến công du của ông Obama tới châu Á, cho dù đó có là chuyến công du cuối cùng trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông tới châu lục. Song “một loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu” mà Nhà Trắng cho biết về nội dung cuộc gặp song phương của Tổng thống Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình đầy quyền lực của Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu chắc chắn sẽ là dịp chót để ông Obama tái khẳng định mạnh mẽ những chính sách của Washington đối với Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

Trong khi đó, chương trình nghị sự khi tham dự EAS tại Thủ đô Vientiane (Lào) của Tổng thống Obama được cho là cơ hội cuối trước khi ông rời Nhà Trắng vào đầu năm tới để củng cố mối hợp tác giữa Mỹ với các quốc gia châu Á, trước hết là Đông Nam Á. Trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Lào và gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Vientiane, ông Obama chắc chắc muốn gây ấn tượng mạnh và ghi điểm giữa lúc Trung Quốc cũng đang ráo riết chèo kéo, cạnh tranh ảnh hưởng ở những nơi này.