Nặng gánh bệnh tự kỷ

ANTĐ - Trẻ mắc bệnh tự kỷ tăng cao kỷ lục tại Mỹ đã để lại những hậu quả nặng nề trước hết cho tương lai các em và sau đó là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

Chữa bệnh cho trẻ tự kỷ đòi hỏi các bậc cha mẹ rất kiên trì và khoa học

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 27-3 lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ gia tăng trẻ mắc bệnh tự kỷ tới mức báo động tại quốc gia giàu có nhất thế giới này. Theo đó, CDC cho biết, cứ 68 trẻ em Mỹ thì một trẻ bị mắc chứng bệnh tự kỷ, tăng 30% so với tỷ lệ 1 em trong số 88 (1/88) em của cuộc điều tra 2 năm trước. Trong khi đó, một báo cáo điều tra gần 96.000 gia đình Mỹ công bố trung tuần tháng 6-2013 cho biết tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ thời kỳ 2000-2002 chỉ ở mức 1/150.

Theo ông Coleen Boyle, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về khuyết tật của trẻ sơ sinh thuộc CDC, phần lớn trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ khá muộn, từ 4 tuổi trở lên. Tỷ lệ bé trai mắc căn bệnh tự kỷ cao gấp 5 lần so với bé gái, cụ thể là 1/42 trẻ em nam được chẩn đoán bị tự kỷ so với 1/189 trẻ em nữ.

Các chuyên gia cho rằng, tự kỷ là một loại bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân và chưa có thuốc điều trị. Những trẻ bị tự kỷ thiếu hay chậm phát triển về khả năng liên hệ qua lại trong xã hội, không sử dụng được ngôn ngữ trong sinh hoạt xã hội, không hiểu hình ảnh ký hiệu và không biết chơi các trò cần sức tưởng tượng. 

Bệnh tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song lại được phát hiện muộn hơn. Trẻ mới sinh không thể hiện rõ bệnh, nhưng từ tháng thứ 18 trở đi, cha mẹ và những người săn sóc trực tiếp có thể thấy rõ các triệu chứng điển hình của bệnh tự kỷ là trẻ mất khả năng giao tiếp với xã hội, có những cử chỉ bất thường khi học tập, không tập trung, xa lánh mọi người. Trẻ mắc bệnh này thường khó hòa hợp với môi trường xung quanh, không biết nói hoặc khó diễn đạt, sống thu mình và luôn lặp đi lặp lại một việc làm.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng nguyên nhân gây bệnh tự kỷ vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Cơ chế di truyền đóng góp khoảng 90% khả năng gây bệnh tự kỷ phát triển ở trẻ em nhưng việc di truyền của bệnh tự kỷ rất phức tạp và thông thường được chỉ ra các gien tương ứng. Một số trường hợp hiếm, bệnh tự kỷ liên quan đến các tác nhân về những khiếm khuyết khi sinh hay do tác hại của việc tiêm vaccine…

Các số liệu thống kê trên toàn nước Mỹ cho thấy khoảng 535.000 trẻ em ở độ tuổi từ 3-17 mắc bệnh tự kỷ và các chi phí y tế tốn kém đã tạo ra căng thẳng cũng như những khó khăn về tài chính đối với gia đình. So với những người có con cái mắc các chứng bệnh kinh niên khác, tỷ lệ các bậc cha mẹ có con cái mắc bệnh tự kỷ phải bỏ việc hay giảm giờ làm để chăm sóc con cái cao gấp 3 lần. Những phụ huynh này phải trả nhiều hơn cho chi phí chăm sóc sức khỏe cho con cái, tốn nhiều thời gian hơn để chăm sóc và cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề tài chính. 

Theo ông Michael Kogan, nhà nghiên cứu của Viện sức khỏe bà mẹ và trẻ em Mỹ, việc điều trị cho trẻ tự kỷ cần được áp dụng đồng thời nhiều phương pháp hơn so với các trẻ bị các căn bệnh kinh niên khác, bao gồm cả các liệu pháp chữa trị lời nói, cách ứng xử, đôi khi kết hợp thuốc men… song điều quan trọng hơn hết là kiên trì và tình thương yêu.