Nâng chất lượng nòi giống

ANTĐ - Sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2017 nước ta sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Từ năm 2011, theo kết quả điều tra, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đã chiếm 7% dân số. Theo quy ước của Liên hợp quốc, với tỷ trọng này, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số sớm hơn 6 năm so với dự báo. Tốc độ già hóa của Việt Nam nhanh hàng đầu châu Á và thuộc diện nhanh nhất thế giới. Thời gian từ già hóa dân số, sang giai đoạn dân số già chỉ khoảng 18 năm, ngắn hơn rất nhiều nước phát triển như Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết, trong 50 năm qua, nếu tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng 22 tuổi (từ 48 lên 70 tuổi), thì Việt Nam tăng thêm tới 33 tuổi (từ 40 lên 73 tuổi). Chỉ số này phản ánh thành tích phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe. Cùng với tốc độ sinh sản giảm nhanh, tuổi thọ tăng cao là nguyên nhân đẩy nước ta vào giai đoạn già hóa dân số và tốc độ này đang diễn ra nhanh chóng. Năm 2012, cứ 11 người có 1 người cao tuổi, đến năm 2019 tỷ lệ này là 6/1. Câu hỏi đặt ra là chất lượng sống có theo kịp tuổi thọ đang được nâng lên? Ông Tổng cục trưởng nhấn mạnh, già hóa dân số-tuổi thọ người dân tăng cao là thành quả đáng ghi nhận, nhưng cũng đặt ra thách thức liên quan đến chất lượng dân số. Đời sống vật chất của người cao tuổi hiện còn nhiều khó khăn: 70% không có tích lũy vật chất, 18% sống trong hộ nghèo, chỉ có khoảng hơn 30% có lương hưu. Một nghịch lý là, người dân sống thọ hơn nhưng chất lượng dân số còn thấp.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số phát triển con người thể hiện chất lượng dân số của Việt Nam, dù đang được cải thiện nhưng vẫn ở mức trung bình của thế giới: Xếp thứ 127/186 quốc gia; tuổi thọ bình quân khỏe mạnh còn thấp, xếp thứ 124/193 quốc gia. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người. Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm, chiều cao, cân nặng của trẻ em Việt Nam lứa tuổi mầm non, tiểu học nằm trong nhóm 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Cụ thể, có tới 28% học sinh bị thiếu máu do thiếu chất sắt, gần 30% thiếu i ốt, rất nhiều trẻ thiếu vitamin A. Điều này khiến trẻ mệt mỏi, tiếp thu chậm, về lâu dài sẽ chán học, không chỉ sa sút học hành mà còn ảnh hưởng đến giống nòi. Trong khi đó, ở thành phố, tỷ lệ trẻ béo phì tăng 5-6% ở các cấp học, do ăn uống thừa năng lượng và lười vận động. Đáng báo động là, hiện có 7,3 triệu người dân thừa cân, béo phì làm gia tăng các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch…

“Hãy hành động vì chất lượng nòi giống Việt” là thông điệp được chuyển đến 90 triệu người Việt Nam. Tuổi thọ tăng nhanh nhưng người có tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp. Hơn 35 năm qua, chiều cao người Việt tăng thêm 4cm, song sức bền vào loại kém trong thi đấu thể thao cũng như cường độ lao động, làm việc, năng suất và hiệu quả.