"Nâng cấp" từ tư duy kỷ luật

ANTD.VN - Đã bước sang thời đại của công nghệ từ lâu mà vẫn phải bàn về chuyện muộn giờ có vẻ như không hợp chút nào. 

Nhưng đáng buồn thay, chuyện “giờ cao su” vẫn cứ tồn tại dai dẳng ở Việt Nam, không chỉ xảy ra ở các cuộc hội họp, mít tinh, biểu diễn, các cơ quan công sở, gây phiền toái cực lớn cho tập thể, mà dường như nó còn ăn sâu trong nhận thức hành vi của nhiều người, khiến việc chậm chạp, muộn giờ đã thành thói quen cố hữu dù ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi cá nhân. Đơn cử như chuyện hành khách ra sân bay, bến tàu chậm giờ, đi phỏng vấn xin việc cũng muộn giờ, thì biết bao giờ mới khá được lên, nhất là khi mình có lỗi nhưng lại không nhìn ra lỗi đó.

Có những liên tưởng đến một cách tự nhiên, song cũng những cái cần tìm tòi, suy ngẫm. Dù không nhìn nhận mọi sự việc bằng con mắt quá khắc nghiệt, nhưng phải thừa nhận ý thức kỷ luật của người Việt Nam vẫn không cải thiện được là bao. Tăng trưởng GDP, thu nhập vượt trên con số nghìn USD, đời sống vật chất khấm khá hơn nhiều, thế nhưng dường như nếp sống, hành vi ứng xử vẫn còn một khoảng cách quá xa, chẳng những không đuổi kịp mà còn thụt lùi. Nhịp sống tăng tốc, vòng xoáy thị trường cuốn con người vào cuộc chạy đua, rõ ràng là tình trạng “vội”: vội mưu sinh, vội chen lấn, vội thăng tiến…

Trăm nghìn kiểu vội, song ở chiều ngược, lại diễn ra tình trạng “văn hóa làng xã” tùy tiện, bất chấp luật pháp, quy định, quy chế. Một số nhà tâm lý xã hội không ngại nói thẳng rằng, ngay cả những thành phố, đô thị lớn cũng chỉ là những “làng xã” mở rộng. Văn hóa giao thông, văn hóa nơi công cộng không hơn gì ở nông thôn. Từ xe đạp “nhảy” lên xe máy, ô tô sang trọng hầu như chỉ thay đổi phương tiện, còn đầu óc, ý thức rất ít đổi thay.

Chấp nhận những điều không dễ gì chấp nhận đó đến bao giờ, nhất là khi nước ta đang bắt tay xây dựng đô thị thông minh, thành phố đáng sống? Muốn kiến tạo đô thị thông minh, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phủ sóng công nghệ thông tin, trước hết cần phải có người dân thông minh. Đổ ra hàng nghìn tỷ USD, trang thiết bị hiện đại, song con người vẫn làm chủ, quyết định tất cả. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà vốn liếng, hành trang vẫn nặng chất “tiểu nông”, từ tư duy đến hành động không chịu “nâng cấp” thì làm sao chạy theo kịp. 

Thực ra, vứt bỏ những thói quen xấu, những hành xử vô kỷ luật, tưởng là dễ dàng mà rất khó. Bởi những chuyện “lặt vặt” không mấy ai quan tâm, để ý, dễ bỏ qua lại bám rễ rất sâu. Ngay cả khi đứng trước gương tự soi mình cũng rất khó nhận ra. Trong công sở, văn phòng, bến tàu xe, sân bay thường treo những nội quy, quy định. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là lòng tự trọng trong mỗi con người. Đó mới là thước đo chuẩn xác nhất.