Ga liên vận quốc tế Gia Lâm

Nâng cấp, khách vẫn vắng teo

ANTĐ - Sau 3 năm được đầu tư nâng cấp thành ga liên vận nhưng đến nay, lượng khách quốc tế qua ga liên vận quốc tế Gia Lâm không đáng kể. Toàn bộ cơ sở hạ tầng được đầu tư gần như bỏ không, gây lãng phí, trong khi giá vé tàu quá đắt.

Khách quốc tế qua ga Liên vận Gia Lâm vắng tanh. Ảnh: ĐSVN

Giá vé đắt đỏ

Từ năm 2010, ga Gia Lâm đã được Bộ GTVT đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho phép thực hiện làm thủ tục hải quan và kiểm dịch y tế đối với hành khách xuất, nhập cảnh đi tàu liên vận quốc tế trên tuyến đường sắt Gia Lâm (Việt Nam) đi Nam Ninh (Trung Quốc). Gần 10 tiếng đồng hồ cho quãng đường 396km, tàu Hà Nội - Nam Ninh mang lại cho hành khách những trải nghiệm thú vị về tàu liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Song qua 11 tháng năm 2013, lượng khách từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng tàu hỏa khoảng hơn 22.000 người, từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam cũng tương tự. Toàn bộ số hành khách này đều qua cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn. Còn cửa khẩu Lào Cai không có khách. 

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến đường sắt liên vận này không thu hút được khách vì giá vé quá đắt. Theo đó, giá vé tàu Liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh là 299,03 Franc Thụy Sỹ, xấp xỉ gần 7 triệu đồng. Giá vé tàu Khách quốc tế Hà Nội - Nam Ninh là 31,53 France Thụy Sỹ, tương đương gần 750.000 đồng, trong khi đi lại bằng ô tô chỉ mất 450.000 đồng. Thêm vào đó, cản trở lớn nhất hiện nay là thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc rất phức tạp. Hành khách phải mất thêm chi phí làm hộ chiếu, visa, phải làm thủ tục nhập cảnh ban đêm. Trong khi đó nếu nhập cảnh bằng đường bộ thì hành khách chỉ cần làm thủ tục thông quan với chi phí rẻ hơn và thuận lợi hơn nhiều.

Thủ tục rườm rà - 1/3 tàu chạy rỗng

Tại Hội nghị Đường sắt biên giới lần thứ 37 diễn ra tại TP Côn Minh (Trung Quốc) vừa qua, phía Trung Quốc đã đề xuất nếu trước giờ tàu chạy 2 tiếng đồng hồ mà không có hành khách thì có thể ngừng chạy tàu tuyến Bằng Tường - Đồng Đăng và ngược lại. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là trong 9 tháng đầu năm nay, tổng cộng có 157 chuyến tàu thì có đến 61 chuyến chạy không khách. 

Theo ông Hoàng Đình Tứ - Trưởng ga Lào Cai, từ lâu ga này không có khách từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Ga cũng đã không duy trì đoàn tàu này. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa vận tải đường sắt qua cửa khẩu này cũng giảm. Đại diện ga Lào Cai cho hay, nguyên nhân là do thủ tục nhập cảnh phía Trung Quốc bằng tàu hỏa còn  rườm rà, phức tạp.

Còn theo các hãng lữ hành du lịch, Việt Nam mới chỉ có vận tải khách bằng tàu hỏa chứ chưa có sản phẩm du lịch đường sắt. Bởi, muốn có sản phẩm du lịch thì trước hết phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Đơn cử như việc đặt chỗ, hàng không có thể đặt trước cả năm còn đường sắt thì mua vé tàu vẫn luôn là “bài toán khó”.  

Thêm vào đó, hiện toàn bộ thủ tục hải quan, kiểm dịch, an ninh... vẫn được làm tại ga Đồng Đăng vào ban đêm. Nguyên do bởi dù ga Gia Lâm được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu của ga Liên vận quốc tế nhưng hiện tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn xếp đây là ga hạng hai, trực thuộc Xí nghiệp vận tải đường sắt Hà Hải đóng tại Hải Dương. Sự bất cập về tổ chức này cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chỉ đạo điều hành của nhà ga hiện nay.

Hiện nay, ngoài tuyến liên vận quốc tế đi Nam Ninh, còn có tàu đi Bắc Kinh khởi hành tại ga Hà Nội vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần lúc 18h30 và đến ga Tây Bắc Kinh vào 11h54 ngày thứ 5 và chủ nhật. Tàu Bắc Kinh - Hà Nội khởi hành tại ga Tây Bắc Kinh vào 15h45 các ngày thứ 5 và chủ nhật trong tuần, về đến ga Hà Nội lúc 8h05 sáng thứ 7 và thứ 3. Giá vé 1 chiều Hà Nội - Bắc Kinh khoảng 7 triệu đồng.