Phú Yên:

Nâng cấp đường… "treo" nhà dân lơ lửng

ANTĐ - Gần 3 tháng qua, từ khi Sở NN-PTNT Phú Yên triển khai nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Chí Thạnh đi xã An Lĩnh (huyện Tuy An), nhà của 12 hộ dân tại thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh bị “treo” ngược lên cao. 

Cuộc sống của các hộ dân ở đây đang phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Mọi người nơm nớp lo sợ sạt lở đất khi mùa mưa bão đến.

Những căn nhà bên bờ vực

12 căn nhà trên nằm trong khu vực khoảng 300m tại km5+150, tuyến đường Chí Thạnh – An Lĩnh (huyện Tuy An). Đứng bên dưới nền đường vừa được đơn vị thi công đào xong, phải ngước hết cổ mới thấy được căn nhà nằm ở vị trí cao nhất. Đó là nhà của ông Đặng Tấn Sinh (55 tuổi), một người đàn ông bị tật nguyền từ nhỏ.

Khoảng cách từ nhà ông Sinh đến nền đường chênh nhau hơn 10m, thế nhưng mỗi khi có việc cần đi đâu đó, người đàn ông này phải khua đôi nạng gỗ dò từng bước theo con đường nhỏ từ nhà xuống đường. Ông Sinh cho biết, những bữa trời mưa, đất trơn trợt, ông đi không vững, té lăn mấy vòng; bà con xung quanh thấy vậy gọi nhau dìu ông Sinh lên lại nhà.

Vậy mà có những ngày, vợ ông – bà Huỳnh Thị Thị bị bệnh, ông phải khó nhọc lê đôi nạng gỗ, cổ đeo hai chai nhựa loại 1,5 lít/chai lần vào xóm xin nước về dùng. Mang được nước về nhà, người ông đẫm mồ hôi, ngồi thở hổn hển, bà Thị thấy vậy chỉ còn biết ứa nước mắt thương chồng. Đến khi hết bệnh, ngày ngày, vợ ông Sinh lại quảy đôi thùng đi gánh nước.

“Trước đây, từ đường lên nhà tuy có dốc nhưng việc đi lại cũng không đến nỗi vất vả lắm. Giờ người ta làm đường, múc đất xuống sâu quá, nhà tôi tự dưng ở trên trời, đi lại khó khăn, nước cho sinh hoạt hàng ngày phải rất dè xẻn vì mỗi lần đi gánh là mỗi lần khổ cực”, bà Thị than.

Nhà dân bị “treo” lơ lửng trên cao

Tuy không nằm ở chỗ cao nhất như nhà của gia đình ông Đặng Tấn Sinh nhưng cặp nhà liền nhau của hai ông Đặng Ngọc Bình và Phạm Ngọc Chương lại đối diện với bờ vực sâu hơn 5m. Chỉ cần mở cửa bước ra khỏi nhà, nếu không cẩn thận những người sống ở đây có thể lọt xuống đường bất cứ lúc nào. Ông Huỳnh Ngọc Anh (66 tuổi), một trong số 12 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc làm đường bộc bạch: Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già nương tựa, chăm sóc lẫn nhau.

Lúc trước, khi nền đường với nền nhà còn ngang nhau, tôi dù bị hư mắt trái vẫn có thể gánh nước, chăn bò phụ vợ. Nay đường bị đào sâu hơn 5m, vợ tôi phải lùa bò đi từ sáng đến tối mịt mới về. Nhiều bữa nhà hết nước, tôi khát quá phải lò dò đi gánh, một tay chống gậy, một tay đỡ gánh nước bước lên dốc cao vào nhà nhưng tuổi già sức yếu nên bị té; may mà mấy chú làm đường thấy và đỡ lên.

Theo nhiều người dân thôn Phong Lãnh, cách đây gần một tháng, cụ Nguyễn Thị Bé – mẹ của ông Đặng Ngọc Khánh mất, cả xóm đã phải mướt mồ hôi khi di chuyển quan tài ra khỏi nhà. Thông thường chỉ cần 6 người là có thể di quan nhưng hôm ấy, do dốc cao lại hẹp, khó đi nên nhiều thanh niên trong thôn phải xúm vào phụ, vậy mà cũng có một số người té dúi dụi; ai cũng thấy thương cho người đã khuất.

Cần sớm tái định cư

Tình trạng khó khăn do nhà bị “treo” suốt gần ba tháng nay đã gây bức xúc cho các hộ dân ở thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Mười hai hộ dân bị ảnh hưởng đã đề nghị UBND huyện Tuy An, Sở NN-PTNT sớm di dời họ đi nơi khác. Ông Phạm Ngọc Tổng, một người dân ở đây bày tỏ: Từ khi làm đường qua khu vực này, người dân chưa kịp mừng thì đời sống đã bị đảo lộn. Chúng tôi mong nhà nước sớm có phương án di dời để người dân trong vùng bớt khó khăn.

Người dân khổ sở mỗi khi qua lại

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh cho biết: Nguyện vọng của bà con là rất chính đáng vì hiện các nhà dân đều nằm cao hơn mặt đường từ 5m đến 10m, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đang gặp khó khăn. Xã An Lĩnh lại là nơi có địa chất không ổn định; những năm gần đây thường xảy ra tình trạng đất trụt, đất nứt. Do vậy, nhà của 12 hộ dân nằm chênh vênh trên cao so với mặt đường sẽ rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đến. Nếu chủ đầu tư chấp nhận bồi thường, di dời cho các trường hợp bị ảnh hưởng thì UBND xã An Lĩnh sẽ bố trí cho các gia đình này vào ở tại khu tái định cư của xã.

Theo ông Ngô Đức Thiện, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT, khi triển khai nâng cấp đường từ thị trấn Chí Thạnh đi xã An Lĩnh, chủ đầu tư đã đền bù cho 249 hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền 3,2 tỉ đồng. Trường hợp của 12 hộ dân nói trên, do nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nên trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tuy An chưa tính tới việc di dời. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công thực hiện việc đào đất hạ nền đường xuống đúng cao độ thiết kế thì phát sinh việc nhà dân bị “treo”. Ban quản lý các dự án nông nghiệp đã báo cáo cho cấp trên để khảo sát, tìm cách giải quyết theo hướng di dời các trường hợp bị ảnh hưởng trước khi mùa mưa bão đến.

Ông Thiện giải thích thêm: Tuyến đường Chí Thạnh – An Lĩnh đi qua những khu vực có nhiều dốc cao, do vậy khi thi công nhà thầu phải múc đất rất sâu để đảm bảo độ dốc theo quy định của cấp đường nên mới xảy ra tình trạng trên. Chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công là Công ty TNHH An Hòa khi làm đường qua khu vực 12 hộ dân có nhà bị “treo” phải cho xe múc vuốt dốc, tạo đường cho người dân đi lại.

Tuyến đường từ thị trấn Chí Thạnh đi xã An Lĩnh (Tuy An) được nâng cấp theo dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – tỉnh Phú Yên. Đường này dài gần 8km, mặt bằng bê tông xi măng rộng 3,5m, tổng kinh phí đầu tư hơn 24 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của tỉnh. Công trình được khởi công vào tháng 2/2012, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm nay.