Lắp đặt thí điểm 5/16 cụm loa tuyên truyền:

Nâng cao ý thức và trách nhiệm người tham gia giao thông

ANTĐ - Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội vừa tổ chức thí điểm lắp đặt 5/16 cụm loa tuyên truyền Luật Giao thông ở các ngã tư, nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. 
Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội xung quanh việc này.

Mỗi khi dừng đèn đỏ tại ngã tư Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, người dân sẽ được nghe phổ biến 
về Luật Giao thông qua hệ thống loa tuyên truyền

- PV: Vừa qua tại 5 nút giao thông của thành phố xuất hiện hệ thống loa tuyên truyền Luật Giao thông phát trong các khung giờ cao điểm. Xuất phát từ lý do gì đơn vị đã triển khai lắp đặt hệ thống loa này?

- Đại tá Đào Vịnh Thắng: Chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể, một cán bộ CSGT khi đến một nơi tuyên truyền thì trong một ngày cũng chỉ tổ chức được một lớp, với khoảng vài trăm người dân tham gia. Trong một tháng số người được tuyên truyền cũng rất hạn chế. Do vậy, để phổ biến Luật Giao thông, giúp từng người dân hiểu, chấp hành, Ban chỉ huy Phòng đã họp, nhất trí thấy rằng nên có những hình thức tuyên truyền trực tiếp cho người tham gia giao thông tại các điểm nút giao thông trọng điểm thành phố.

Việc hàng vạn lượt người dân tham gia giao thông đi trên đường qua 5 nút giao thông gồm: Thái Hà – Chùa Bộc; Nguyễn Chí Thanh – Láng; Phạm Hùng – Xuân Thủy; Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ và Pháp Vân – Giải Phóng hàng ngày được nghe những nội dung Luật Giao thông sẽ giúp họ hiểu, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, tránh vi phạm. Qua đó sẽ góp phần làm giảm ùn tắc, phòng ngừa và hạn chế TNGT. Cùng với hệ thống loa tuyên truyền được lắp đặt, chúng tôi còn triển khai các tổ tuần tra lưu động nhằm phát hiện những trường hợp người tham gia giao thông vi phạm để nhắc nhở. 

- Hình thức, nội dung tuyên truyền của các cụm loa trên sẽ được thực hiện ra sao, thưa Đại tá?

- Trong thời gian 1 tiếng của hai khung giờ cao điểm vào buổi sáng và chiều, nội dung tuyên truyền này tập trung vào những điều cơ bản nhất của Luật Giao thông đường bộ; những quy tắc đảm bảo an toàn của người tham gia giao thông. Xen kẽ giữa những thông tin tuyên truyền này còn là các bản nhạc, bài hát hay về Hà Nội. 

Các cụm loa này sau khi lắp đặt xong ở địa bàn đơn vị nào thì chúng tôi sẽ bàn giao cho Đội CSGT quản lý địa bàn đó chịu trách nhiệm phụ trách, điều hành, sử dụng cũng như duy tu, bảo dưỡng. Trong một tuần chúng tôi sẽ thay đổi nội dung tuyên truyền, cập nhật thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất về Luật Giao thông, những chủ trương, chính sách mới liên quan đến giao thông nhằm cung cấp cho người dân nắm được và thực hiện. 

- Trong thời gian tới, đơn vị có tiếp tục nhân rộng hoặc thay đổi, nâng cao hình thức tuyên truyền này không?

- Hiện chúng tôi đang giao cho Đội Khám nghiệm, điều tra giải quyết TNGT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lắp đặt các cụm loa tại 5 điểm. Sau nửa tháng, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết và nhân rộng ra 16 nút giao thông, cửa ngõ ra vào thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp tục lắp đặt những cụm loa ở địa bàn các phường, khu vực gần các trường đại học, cao đẳng…, phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên biết, chấp hành. Phòng CSGT cũng sẽ lắp đặt thêm các cụm loa ở những điểm, nút giao thông lớn trên địa bàn thành phố; các tuyến quốc lộ ra vào thành phố như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 5, 1A, 1B…

- Xin cảm ơn đồng chí!

Rất hữu ích

Nâng cao ý thức và trách nhiệm người tham gia giao thông ảnh 2

Hàng ngày tôi thường xuyên phải đi qua đoạn ngã tư Phạm Hùng – Xuân Thủy để đến trường. Lưu lượng người tham gia giao thông trên tuyến đường này vào giờ cao điểm rất lớn. Khi dừng chờ đèn đỏ, nghe có tiếng loa tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, không những tôi mà những người khác đều hết sức chú ý. Ban đầu thấy lạ, song nghe nội dung tuyên truyền chúng tôi thấy rất có ích. Vị trí lắp đặt loa ở cầu vượt Mai Dịch cũng gần khu vực cổng trường Đại học Quốc gia, Đại học Sư Phạm nên số sinh viên, học sinh khi tan trường đứng chờ xe buýt, đi xe máy cũng có thể nghe được các quy định về đảm bảo ATGT. Có những cụm loa này, đứng chờ đèn đỏ mà bỗng thấy vui, đi đường mọi người nhường nhịn nhau hơn.

 Anh Lê Phạm Duy Anh 
(21 tuổi, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình)

Một cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nâng cao ý thức và trách nhiệm người tham gia giao thông ảnh 3

Ở cơ quan tôi cũng tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Bài thi dài cả chục trang nhưng thi xong rồi cũng chẳng mấy ai nhớ. Nhưng việc tuyên truyền kiến thức đến với người dân bằng cách phát trên loa tại các nút giao thông trọng điểm là một cách làm rất sáng tạo. Từ người già, thanh niên và cả trẻ nhỏ đều được tiếp cận với những thông tin về các quy định liên quan đến việc tham gia giao thông một cách tự nhiên. Biện pháp tuyên truyền này sẽ giúp người dân nhớ lâu, hiểu hơn và có ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Chị Dương Thị Kim Oanh 
(Số 9, ngõ 71, Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội)
Nên triển khai trên toàn thành phố

Nâng cao ý thức và trách nhiệm người tham gia giao thông ảnh 4

Các cơ quan chức năng quyết định việc lắp đặt loa tuyên truyền là rất hợp lý. Trong vòng 1 giờ đồng hồ người tham gia giao thông sẽ được nắm bắt tất cả những quy định về đảm bảo ATGT, như vậy ý thức của người dân khi đi đường, chấp hành Luật Giao thông sẽ được cải thiện. Tôi nghĩ ngoài 5 nút giao thông có lắp đặt 5 cụm loa trên, trong thời gian tới Phòng CSGT nên triển khai trên toàn thành phố. 

Ông Nguyễn Xuân Tùng 
(Số nhà 262 - Tổ 21- Phương Liên - Đống Đa - Hà Nội)