Nâng cao ý thức để phòng bệnh sốt xuất huyết

ANTĐ - Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 10 người tử vong. Số ca mắc và tử vong đều tăng so với cùng kỳ các năm trước khiến cộng đồng và ngành y tế không khỏi lo lắng. 

Thống kê 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận gần 11.400 ca mắc SXH, trong đó tại khu vực miền Nam số ca mắc tăng hơn 35%, một số tỉnh thành khác tỷ lệ mắc cũng tăng từ 30-45% như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng. Dự báo, mùa mưa sắp đến, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn, nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Tại TP.HCM từ đầu năm đã ghi nhận gần 4.000 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Hà Nội, các ca SXH không nhiều nhưng cũng tăng so với năm trước, tính từ đầu năm thành phố đã ghi nhận 90 trường hợp SXH, không có tử vong. 

Nâng cao ý thức để phòng bệnh sốt xuất huyết ảnh 1

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với tình hình thời tiết khô hạn như hiện nay cùng với thời tiết chuyển sang mưa, nguy cơ dịch ở khu vực phía Nam sắp tới sẽ bùng phát mạnh. Đáng nói là người đã mắc SXH vẫn có khả năng mắc lại, vì hiện Việt Nam lưu hành cả 4 type virus SXH gồm D1, D2, D3 và D4 nên người dân mắc SXH D1 vẫn có thể mắc các type còn lại trong cùng một năm mà không có miễn dịch. Không những thế, những lần mắc bệnh sau còn nặng hơn lần trước.

Trước đây, dịch SXH thường xuất hiện theo mùa gia tăng ở khu vực phía Nam từ tháng 6 (thời điểm vào mùa mưa) và ở phía Bắc từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, gần đây, do những thay đổi về thời tiết và môi trường nên bệnh xuất hiện quanh năm, không chỉ tại những vùng vốn lưu hành nguồn bệnh mà ngay tại các đô thị có mầm bệnh rình rập. 

Trong khi đó việc chẩn đoán bệnh SXH vẫn bị nhầm lẫn ở các tuyến dưới, dẫn đến bệnh nhân tử vong vì can thiệp muộn. SXH ở người lớn và trẻ em rất khác nhau. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn; xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).

Ở thể bệnh nhẹ, bệnh nhân thường có dấu hiệu sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Bệnh nhân có thể nổi mẩn, phát ban. Ở thể bệnh nặng, ngoài các biểu hiện trên, bệnh nhân còn kèm một hoặc nhiều dấu hiệu như: Xuất hiện các chấm huyết ngoài da, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thủ phạm chính gây SXH là muỗi vằn đen, hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên tất cả mọi người đều có thể mắc SXH, nhất là trẻ em. Việc phòng ngừa SXH chủ yếu là từ ý thức của người dân.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Những việc mà người dân cần làm ngay để phòng nguy cơ mắc bệnh là: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến…

Để phòng muỗi đốt, nên mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Sử dụng ác loại hóa chất, dụng cụ diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người.