Nâng cao ý chí cách mạng

(ANTĐ) - Việc ghi lại những trang sử vẻ vang của lực lượng công an là một công việc hết sức có ý nghĩa, công việc này không chỉ giúp chúng ta ôn lại truyền thống quý báu, sự trưởng thành trong những chặng đường đã qua của lực lượng công an mà còn nhắc nhở, động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ công an thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau luôn luôn biết tự hào truyền thống vẻ vang của lực lượng công an để từ đó nêu cao ý chí cách mạng của lớp cha anh đi trước.

45 năm ngày truyền thống lực lượng làm công tác nghiên cứu lịch sử CAND (9-7-1965 / 9-7-2010):

Nâng cao ý chí cách mạng

(ANTĐ) - Việc ghi lại những trang sử vẻ vang của lực lượng công an là một công việc hết sức có ý nghĩa, công việc này không chỉ giúp chúng ta ôn lại truyền thống quý báu, sự trưởng thành trong những chặng đường đã qua của lực lượng công an mà còn nhắc nhở, động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ công an thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau luôn luôn biết tự hào truyền thống vẻ vang của lực lượng công an để từ đó nêu cao ý chí cách mạng của lớp cha anh đi trước.

Tổ chức hội thảo khoa học lịch sử về Công an Hà Nội
Tổ chức hội thảo khoa học lịch sử về Công an Hà Nội

Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt, mặc dù phải tập trung chỉ đạo nhiều công tác cấp bách đảm bảo nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự ở miền Bắc, chi viện cho an ninh miền Nam nhưng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn vẫn rất coi trọng việc tổng kết thực tiễn cuộc đấu tranh, Bộ trưởng chỉ đạo: “Không làm tốt công tác tổng kết thì sẽ hạn chế rất lớn đến sự phát triển và nâng cao công tác trước mắt và lâu dài của lực lượng CAND…”. 

Điều đó cho thấy công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử Công an nhân dân được Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an quan tâm và triển khai sớm. Ngày 9 tháng 7 năm 1965, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 15/NC/TK về Tổng kết 35 năm công tác đấu tranh chống phản cách mạng và biên soạn Lịch sử Công an nhân dân (1945-1965). Chỉ thị nói trên ra đời đáp ứng được yêu cầu công tác, chiến đấu của đông đảo CBCS. Đó là mốc son quan trọng mở đầu bước phát triển của công tác nghiên cứu Lịch sử  CAND. 

Mới đây ngày 26-5-2010, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 1918/QĐ-BCA(X11) xác định ngày 9-7-1965 là Ngày Truyền thống lực lượng nghiên cứu lịch sử CAND. Chính vì vậy, hôm nay, ngày 9-7-2010, lần đầu tiên các thế hệ làm công tác nghiên cứu lịch sử Công an Thủ đô được gặp mặt nhau để nhìn lại chặng đường đã qua, những công việc đã làm cũng như ôn lại truyền thống của ngành mình.

Ngay từ khi có Chỉ thị của Bộ Công an, Công an Hà Nội đã giao cho 1 đồng chí làm công tác tổng hợp lâu năm chịu trách nhiệm sưu tầm tài liệu và biên soạn lịch sử Công an Hà Nội. Đến năm 1982, công tác NCTK Lịch sử Công an Thủ đô được giao cho Phòng Nghiên cứu khoa học Công an đảm nhiệm. Trong thời gian này, tuy số lượng cán bộ còn ít ỏi nhưng các đồng chí đã sưu tầm được khá nhiều tư liệu lịch sử để chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách “Công an Thủ đô những chặng đường lịch sử”.

Cho đến đầu năm 1989, thực hiện Quyết định số 10 và Chỉ thị số 27 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Công an Thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ nghiên cứu tổng kết Lịch sử với biên chế ban đầu 3 cán bộ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Giám đốc Công an thành phố. Bắt đầu từ đây, tổ nghiên cứu đã tiếp tục bổ sung thêm được các tài liệu và năm 1990, đã biên soạn và xuất bản cuốn “Công an Thủ đô những chặng đường Lịch sử, Tập I, 1945-1954” phát hành đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945/19-8-1990). Ngay sau đó,  trong các năm 1994, 1995 đã biên soạn và xuất bản hai cuốn sách lịch sử: “Công an Thủ đô Biên niên sự kiện, Tập II, 1954-1975” và “Công an Thủ đô những chặng đường lịch sử, Tập II, 1954- 1975”.

Năm 1996, bộ phận làm công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử được chuyển về Phòng Công tác Chính trị. Được sự quan tâm của lãnh đạo Công an thành phố, từ chỗ chỉ có 1 cán bộ làm công tác này đã tăng lên 6 cán bộ đều được đào tạo chuyên ngành Lịch sử. Đến năm 2001, tổ NCTK lịch sử đã biên soạn và phát hành cuốn “Công an Thủ đô Biên niên sự kiện, Tập III, 1975-1995”. Đồng thời, trong thời gian này cũng đã hoàn thành tổng kết 2 đề tài về công tác đấu tranh chống phản cách mạng trên địa bàn Thủ đô 1945-2000.

Thực hiện Chỉ thị số 07 của Bộ trưởng Bộ Công an, tháng 4 năm 2003, bộ phận làm công tác NCTK Lịch sử được chuyển về Văn phòng Công an Thành phố Hà Nội và thành lập Đội NCTK Lịch sử do đồng chí Chánh Văn phòng Công an thành phố trực tiếp phụ trách. Từ đó đến nay, công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử tiếp tục được đẩy mạnh, năm 2010 đã biên soạn và xuất bản 2 cuốn lịch sử là “Công an Thủ đô Biên niên sự kiện, Tập IV, 1996-2008” và “Lịch sử Công an nhân dân tỉnh Hà Tây, 1954-1975”; hiện nay đang nghiên cứu, biên soạn dự thảo “Công an Thủ đô những chặng đường lịch sử, Tập III, 1975-2008”. Cùng với Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Hà Tây (cũ) đã hoàn thành các công trình lịch sử như: Lịch sử Công an nhân dân Hà Tây (1945-1954); Công an nhân dân Hà Tây - Lịch sử biên niên (1954-1975); Công an nhân dân Hà Tây - Lịch sử biên niên (1976-2000)…

Song song với công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử của công an Thủ đô, Đội NCTK Lịch sử cũng đã làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn các đơn vị thuộc Công an Thành phố nghiên cứu, biên soạn Lịch sử đơn vị. Đến nay nhiều đơn vị đã hoàn thành Kỷ yếu, Lịch sử biên niên để cán bộ chiến sĩ hiểu hơn về những cống hiến trong lực lượng của mình.

Có thể nói, sau 45 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ năm 1989 đến nay, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an thành phố và lãnh đạo các đơn vị, công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử Công an Thủ đô đã từng bước trưởng thành và đi vào nền nếp, xây dựng được các công trình lịch sử có chất lượng nhằm góp phần làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn và rút ra những vấn đề có tính quy luật của cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT, phục vụ yêu cầu công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng của Công an Thủ đô.                        

Đỗ Tiến Châm