Chỉ thị số 07 của Bộ trưởng Bộ Công an:

Nâng cao văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an nhân dân

ANTD.VN - Ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới.

Nâng cao văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an nhân dân  ảnh 1Cần có nhiều hơn những hành vi ứng xử đẹp của CBCS Công an khi tiếp xúc với nhân dân

Chỉ thị nêu rõ: Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; để văn hóa ứng xử thực sự phát huy vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính nêu gương của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử Công an nhân dân. Thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; về tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, đạo đức công vụ và Điều lệnh Công an nhân dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”. Cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp cần đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử Công an nhân dân vào nghị quyết của cấp ủy, chương trình công tác hàng năm của đơn vị; tăng cường kiểm tra, thanh tra, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện; xác định đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận xét, đánh giá cán bộ, bình xét danh hiệu thi đua hàng năm đối với đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. 

2. Tổng cục Chính trị Công an nhân dân chủ trì nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong quan hệ giao tiếp với cơ quan, tổ chức, công dân; với các loại đối tượng quản lý, đấu tranh; giữa Công an các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Trước mắt, Công an các đơn vị, địa phương chủ động tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa; xây dựng tiêu chí văn hóa cơ quan, tiêu chí văn hóa ứng xử của từng lực lượng và quy định trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong thực hiện văn hóa ứng xử Công an nhân dân. 

3. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, năng lực thực thi công vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên đưa giáo dục văn hóa ứng xử vào nội dung các hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể quần chúng. Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, trao đổi, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử; tổ chức các cuộc tập huấn, thi tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với cơ quan, tổ chức, nhân dân. Tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định về ứng xử theo Điều lệnh Công an nhân dân. 

Nghiên cứu, bổ sung nội dung giáo dục về văn hóa ứng xử và kỹ năng  giao tiếp vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, trường Công an nhân dân nhằm trang bị cho học viên, cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp trong khi thi hành nhiệm vụ và trong các mối quan hệ xã hội. Giao Học viện Chính trị Công an nhân dân chủ trì, phối hợp với Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân biên soạn tài liệu về văn hóa ứng xử Công an nhân dân để giảng dạy trong các học viện, trường Công an nhân dân.

4. Tăng cường phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến đối với thực hiện văn hóa ứng xử của Công an nhân dân. Xây dựng Thông tư của Bộ Công an quy định việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với Công an nhân dân. Trước mắt, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; đặt hòm thư góp ý tại các trụ sở giải quyết các công việc cho cơ quan, tổ chức và nhân dân; lập điện thoại “Đường dây nóng”, điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy... để nhân dân đóng góp ý kiến với Công an nhân dân.

5. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử Công an nhân dân. Các báo, phát thanh, truyền hình Công an nhân dân và chuyên mục “An ninh, trật tự” của Công an trên các báo, đài địa phương cần mở chuyên mục, diễn đàn về văn hóa và văn hóa ứng xử Công an nhân dân; tổ chức các diễn đàn trao đổi, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ Công an. Chủ động phát hiện, kịp thời biểu dương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, hình ảnh đẹp về những cán bộ, chiến sĩ Công an gương mẫu, tận tụy trong công việc, ứng xử có văn hóa, vì nhân dân phục vụ.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm về văn hóa ứng xử, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ có các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, có thái độ, lời nói không đúng mực đối với nhân dân, có tư thế, lễ tiết, tác phong thiếu chuẩn mực, vi phạm Điều lệnh Công an nhân dân; đồng thời xác định trách nhiệm liên đới của lãnh đạo trực tiếp quản lý đơn vị khi để xảy ra cán bộ, chiến sĩ vi phạm văn hóa ứng xử.

7. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác chính trị tư tưởng ở công an các cấp, trong đó chú trọng nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để thực hiện tốt chức năng quản lý, tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác chính trị tư tưởng nói chung, nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử nói riêng; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng trong Công an nhân dân.

8. Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức phát động Cuộc vận động thực hiện Chỉ thị; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này trong toàn lực lượng Công an nhân dân.