Nâng cao khả năng chống chịu, củng cố năng lực tự chủ kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào một số thị trường chủ yếu, kinh tế Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, dịch Covid-19 làm giảm cả tổng cung và tổng cầu, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và hoạt động kinh tế tiếp xúc truyền thống và suy giảm toàn diện mọi chỉ tiêu và động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia…

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Kích cầu nội địa thông qua gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí

Chính sách tài khóa năm 2020 được định hướng tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, có hiệu lực từ ngày 8-4-2020.

Theo đó, cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6-2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2-2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức được áp dụng hưởng chính sách này. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, 2 của kỳ tính thuế năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phát sinh phải nộp năm 2020 chậm nhất vào ngày 31-12-2020. Tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm cũng được gia hạn là 5 tháng kể từ ngày 31-5-2020…

Việt Nam tạo lập môi trường kinh doanh phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Việt Nam tạo lập môi trường kinh doanh phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 6.470 tỷ đồng với 4,315 triệu người

Ngày 12-6-2020, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư số 54/2020/TT-BTC, 56/2020/TT-BTC và 57/2020/TT-BTC để giảm phí từ 20 - 50% đối với một số phí dịch vụ trong lĩnh vực xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước, lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp; trong việc cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép quản lý pháo và quản lý vũ khí, vật liệu nổ.

Về gói an sinh xã hội, nội dung hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (NSNN) là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người. Hỗ trợ các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ.

Hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động, với dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động.

Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760.000 hộ. Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động….

Tính đến ngày 10-6-2020, cả nước mới giải ngân được 10,5 nghìn trong gói 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo hơn 10,4 nghìn tỷ đồng; người lao động 50,5 tỷ đồng; hộ kinh doanh 2,6 tỷ đồng.

So với thế giới, các gói kích cầu của Việt Nam, một mặt, có một số đặc điểm chung là cùng có nguồn tiền chủ yếu từ nguồn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách, đối tượng bao gồm cả DN và người dân; mặt khác, các gói hỗ trợ của Việt Nam cũng có một số điểm riêng, như: Quy mô không lớn; đa dạng về đối tượng và kênh hỗ trợ; chủ yếu hỗ trợ về thời gian và chính sách, ít dùng tiền trực tiếp kiểu “cho không”. Ngoài ra, tính chất xã hội hóa của các gói hỗ trợ cũng là nét đặc sắc của Việt Nam, nhờ sự tham gia và trách nhiệm xã hội cao của các ngân hàng thương mại, DNNN và người dân hảo tâm …

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội

Các nhiệm vụ và giải pháp kinh tế trong thời gian tới cần được thực hiện đồng bộ và đáp ứng cả 2 mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, điều tiết để “lò xo kinh tế” bị nén trong thời gian qua bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.

Chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN, trong đó có thu NSNN, bội chi NSNN và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường kinh doanh phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường quốc tế, kích cầu tiêu dùng nội địa để kích thích tăng trưởng. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Coi trọng chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương.

Đại dịch Covid-19 đang làm bộc lộ và cũng là cơ hội để nhận diện và cải thiện những điểm bất cập và hạn chế của nền kinh tế, cả cấp vĩ mô và vi mô. Vì vậy, củng cố năng lực tự chủ kinh tế là một trong những định hướng và giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống, những nguy cơ của dịch bệnh, thiên tai sẽ có thể trở thành lực cản lớn ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cũng như làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

“Sau dịch Covid-19, vấn đề quan trọng là các quốc gia phải chú trọng xây dựng một nền kinh tế không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn phải là nền kinh tế có thể chịu đựng được những cú sốc mạnh và sau đó thích ứng nhanh chóng với môi trường mới…”.

Ông Nguyễn Minh Cường (Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam)