Nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập cảnh

ANTĐ - Hôm qua, 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Thảo luận về dự án luật, đa số ý kiến Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với dự thảo và đánh giá dự luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, dự luật phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện tại. Cần tính đến việc tương thích đối với các luật có liên quan, tránh trùng lặp, bỏ sót những nội dung điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo cần đặc biệt chú ý đến việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định cụ thể những nội dung liên quan trực tiếp đến người nước ngoài phải thực hiện, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch thuận tiện và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chiều 10-9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình. Về chủ đề “nóng” - kết hôn giữa những người cùng giới tính - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự thảo Luật bỏ quy định cấm, đồng thời cũng khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng tính và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, “không cấm mà cũng không công nhận hôn nhân đồng giới là vẫn còn lửng lơ, vì không cấm tức là được làm, mà như thế xử lý hậu quả pháp lý sẽ rất khó. Quan điểm của tôi là công nhận”. Có quan điểm “chưa tính kỹ thì chưa sửa”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, ở thời điểm hiện nay, chỉ nên bỏ quy định cấm là đủ. Các các vấn đề khác có liên quan như phân chia tài sản... hoàn toàn có thể giải quyết được theo pháp luật dân sự.

Một nội dung quan trọng khác của dự luật là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên UBTVQH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm các bên và có chế tài để tránh việc lợi dụng vì mục đích kinh tế.