Nạn trộm thi thể "làm khó" Indonesia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đánh cắp thi thể, không chịu đeo khẩu trang là một số thách thức mới nhất mà Indonesia phải đối mặt khi đại dịch Covid-19 lây lan dọc theo quần đảo lớn nhất thế giới, biến quốc gia Đông Nam Á này thành câu chuyện cảnh báo mới nhất về cuộc chiến chống lại đại dịch sẽ kéo dài.

Quần đảo Indonesia với 17.000 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên đường xích đạo. Dân số nước này là 270 triệu người, đa số theo đạo Hồi và có đến cả nghìn phương ngữ khác nhau.

Sự đa dạng về địa lý và văn hóa đã giúp đất nước vạn đảo này thu hút hơn 16 triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm. Nhưng trong đại dịch, hàng tỷ đô la thu nhập từ du lịch bị mất đi. Ngoài ra, các chuẩn mực văn hóa ở các vùng khác nhau đã cản trở những nỗ lực của Chính phủ trong việc hạn chế lây nhiễm. 

Nạn trộm thi thể "làm khó" Indonesia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ảnh 1Hành khách đeo khẩu trang trên tàu hỏa ở Jakarta, Indonesia

Đa dạng văn hóa cũng là một rào cản

Đối với người Hồi giáo, các nghi thức chôn cất đòi người chết phải được rửa sạch ngay sau khi chết và chôn trong một miếng vải, không được hỏa táng hoặc chôn trong quan tài. Nhưng khi xảy ra đại dịch, yêu cầu đặt ra là các nạn nhân Covid-19 phải được bọc trong nilon và chôn trong các quan tài kín trong vòng 24 giờ sau khi chết. Bởi vậy, các phương tiện truyền thông địa phương thường xuyên đăng tải những câu chuyện về ăn trộm thi thể, thậm chí tổ chức cướp xác bằng vũ lực. 

Theo Jakarta Globe, có lần, thân nhân của một bệnh nhân chết tại bệnh viện ở Medan, Bắc Sumatra, đã thuyết phục nhân viên y tế đưa thi thể ra khỏi xe cứu thương để họ có thể thực hiện các nghi thức cuối cùng trong một chiếc ô tô riêng. Trong một số trường hợp khác, nỗi sợ lây nhiễm đã gây ra bạo loạn và biểu tình. Tháng trước, tại một thị trấn nhỏ ở Đông Java, một nhóm người đe dọa sẽ đốt một chiếc xe cứu thương chở thi thể của một trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, theo Detik.com.

Và cũng giống như ở nhiều quốc gia khác, mọi người trong lúc hoang mang về đại dịch có quan niệm hoặc tìm cách chữa trị bằng các biện pháp không có cơ sở khoa học.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo từng nói rằng, ông thấy rằng một chiếc vòng cổ làm từ lá bạch đàn có khả năng chống virus. Nhận xét này lập tức tạo ra làn sóng chỉ trích buộc Bộ Nông nghiệp phải tổ chức một cuộc họp báo để làm rõ bình luận của bộ trưởng.

Chưa hết, nhà chức trách của Indonesia cũng đau đầu vì nhiều người không đeo khẩu trang, kể cả ở nơi đông người. Trong chuyến thăm Đông Java hồi tháng trước, Tổng thống Jokowi đã cảnh báo các quan chức địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn vì 70% dân số nước này từ chối đeo khẩu trang.

Ngay như ông SIrfan Setiaputra - Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia PT Garuda Indonesia cho biết, hãng đã cho phép phi hành đoàn đeo tấm kính trong suốt che mặt thay bằng khẩu trang. Theo ông, làm dịch vụ hàng không là phải chào hỏi khách hàng, nếu đeo khẩu trang thì không biết có cười hay không và khách hàng sẽ rơi vào cảm giác đến bệnh viện chứ không phải lên máy bay.

Thách thức ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới

Vào giữa tháng 2-2020, ông Wiranto, Chủ tịch hội đồng cố vấn Tổng thống Indonesia và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Navaratnasamy Paranietharan đã tổ chức một cuộc họp báo để trấn an công chúng rằng Chính phủ đã chuẩn bị cho một đợt dịch bùng phát tiềm năng.

Trong vòng 3 tuần, Indonesia đã báo cáo ca nhiễm đầu tiên. Chỉ sau đó, công chúng mới biết rằng nước này không có đủ vật tư xét nghiệm, họ chỉ có duy nhất một phòng thí nghiệm ở Thủ đô và thiếu thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế, buộc một số y tá phải mặc áo mưa khi làm việc. 

Nhưng sau vài tháng, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã có hàng trăm cơ sở y tế cho phép xét nghiệm tại chỗ. Lấy cảm hứng từ bệnh viện dã chiến được xây dựng thành công ở Trung Quốc, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo xây dựng một cơ sở tương tự trên đảo Galang, cách Thủ đô Jakarta 826km để điều trị cho lao động nhập cư trở về.

Thay vì yêu cầu phong tỏa chặt, Tổng thống Indonesia chọn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa trung tâm thương mại, nhà hàng và khuyến khích mọi người làm việc tại nhà. Ông cho rằng việc đóng cửa các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ tác động với một bộ phận lớn người lao động không có khoản tiền tiết kiệm.

Thực tế, các nhà máy nơi nhiều nhân viên đã bị nhiễm bệnh được phép mở lại nếu họ thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Nhưng gần đây, Indonesia vẫn đứng đầu trong số các quốc gia Đông Nam Á về số ca nhiễm Covid-19. Kể từ cuối tháng 5, số người được chẩn đoán mắc Covid-19 tại đây đã tăng gấp 3, lên tới ít nhất 88.000 trường hợp, vượt qua cả Trung Quốc, trong đó hơn 4.200 ca tử vong.

Hôm 16-7, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết, giai đoạn cuối trước khi mở cửa trở lại ở Thủ đô sẽ bị trì hoãn ít nhất 2 tuần vì số ca nhiễm chưa có dấu hiệu giảm.

Giống như các quốc gia đang phát triển khác có phần lớn dân số nằm trong khung thu nhập thấp và cơ sở hạ tầng y tế chưa được chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp nhanh chóng và phức tạp như đại dịch Covid-19, Indonesia bị kẹt giữa nhu cầu ngăn chặn dịch bệnh và khó khăn trong việc buộc phải cách ly đối với hàng triệu người cần làm việc để kiếm cái ăn.