Nạn tham nhũng tràn lan ngành Hải quan

ANTĐ - Khi Luis Alarid còn là một cậu bé, mẹ cậu thường cho cậu đi theo xe khi bà thực hiện những phi vụ đưa người và buôn lậu ma tuý qua biên giới Mỹ - Mexico. Những chuyến đi như thế của hai mẹ con Luis luôn thuận lợi, do mẹ Luis là một người phụ nữ khéo ăn nói, bên cạnh lại là cậu bé đáng yêu nên không bao giờ bị nhân viên hải quan kiểm tra.

Hơn 25 năm sau, Luis quay trở lại biên giới San Diego với mong muốn trở thành một nhân viên hải quan. Để được làm việc trong cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ, trước hết Luis phải trải qua một cuộc kiểm tra lai lịch bản thân, tài chính và công việc. Từng phục vụ trong quân đội là một lợi thế cho Luis, nhưng những khoản tài chính không rõ ràng lại là vấn đề đáng lo ngại. Bố, mẹ và một số quan hệ gia đình khác từng bị kết tội buôn lậu. Sau đợt kiểm tra lý lịch và phỏng vấn, Luis đã được nhận vào làm việc và được bố trí tại một trạm ở biên giới. Và chỉ sau vài tháng, Luis đã biết lợi dụng vị trí công việc để kiếm tiền từ những hoạt động tội phạm. Móc ngoặc với một băng nhóm tội phạm gồm những thành viên trong gia đình, Luis thương xuyên làm ngơ cho những chuyến xe chứa đầy ma túy và người nhập cư bất hợp pháp nhập cảnh vào California. Giờ đây, Luis đang phải thi hành bản án 7 năm tù giam tại một nhà tù liên bang ở Kentucky về tội tham nhũng.

Vụ án của Luis chỉ là một trong số rất nhiều vụ tham nhũng đã xảy ra trong những năm gần đây ở cơ quan hải quan Mỹ, có nguyên nhân từ khâu thẩm tra lý lịch tuyển nhân viên. Do yêu cầu tăng nhanh về số lượng nhân viên, hệ thống kiểm tra lý lịch người dự tuyển đã phải căng ra để đáp ứng yêu cầu. Những đợt kiểm tra được tiến hành vội vàng và những tiêu chuẩn chọn người được nới lỏng hơn, cộng với việc thiếu nguồn lực tài chính đã dẫn đến kết quả là quá trình thẩm tra đã để lọt những người không xứng đáng. Tất cả những điều đó cho thấy sự khó khăn trong thẩm tra tuyển nhân viên của cơ quan hải quan. Liệu những người như Luis có bị loại chỉ vì việc phạm tội của những người thân trong gia đình? Trong khi những nhân viên hải quan luôn có những cơ hội tốt để thu gom những đồng tiền bất hợp pháp. Trong những năm vừa qua, đã có hàng chục quan chức lợi dụng vị trí công việc của mình để làm giầu bất chính.

Kể từ tháng 10-2004 đến nay, đã có 132 nhân viên hải quan và bảo vệ biên giới bị buộc tội hoặc kết án về những tội danh có liên quan đến tham nhũng, số đông là những quan chức hải quan ở phía biên giới Tây Nam. Số vụ điều tra tham nhũng tăng đột biết kể từ năm 2006 và tăng gấp 3 lần vào năm 2010, từ 244 vụ lên 870 vụ. Trong số 24.000 nhân viên hải quan dọc biên giới Tây Nam thì có tới gần một nửa trong số này được tuyển dụng trong năm 2010, trong khi cơ quan hải quan đang có kế hoạch tuyển dụng thêm 2.500 nhân viên trong năm tới. Yêu cầu công việc của ngành này đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Những nhân viên hải quan không buộc phải có bằng tốt nghiệp trung học. Trong khi lực lượng FBI thì đòi hỏi phải có bằng tốt nghiệp đại học và kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong một số trường hợp, do áp lực về thời gian, nhiều công đoạn thẩm tra đã bị cắt bớt hoặc được giao cho những lực lượng không chuyên tiến hành. Sự quá tải trong quá trình tuyển nhân viên mới còn gây ảnh hưởng đến việc kiểm tra định kỳ các nhân viên cũ. Và hậu quả của yêu cầu mở rộng, tăng nhân viên và những cải cách về tiêu chuẩn là số vụ tham nhũng trong ngành tăng đột biến.

Thậm chí ngay cả khi có đủ thời gian thì những người chịu trách nhiệm thẩm tra cũng không thể dựng được một lý lịch đầy đủ của người dự tuyển. John Paul Yanez-Camacho là một ví dụ. Từng là một cựu nhân viên hành pháp ở bang Chihuahua, Mexico và là quản lý hộp đêm của một tay buôn lậu ma túy ở Ciudad Juarez, nhưng các nhân viên thẩm tra đã không  nắm được những thông tin này khi John nộp đơn xin vào ngành hải quan năm 2003. Hai năm sau khi được tuyển dụng, John bắt đầu bí mật tiếp cận với những cơ sở dữ liệu nhạy cảm. Và từ năm 2005 đến 2006, John đã tiến hành hơn 250 lần đột nhập vào cơ sở dữ liệu nhằm đánh cắp thông tin về những vụ điều tra có liên quan đến những đối tượng tình nghi buôn lậu ma túy. Những tân nhân viên từng là cư dân sống dọc biên giới thường dễ dính đến nạn tham nhũng vì họ thường “kế thừa” từ các thành viên gia đình có liên quan đến hoạt động tội phạm. Cựu nhân viên tuần tra biên giới Salomon Ruiz, bị kết án tham nhũng năm 2009, có những ông chú là những tên buôn lậu ma túy có thâm niên ở McAllen, Texas; bố đẻ cũng từng bị trục xuất sang Mexico vì tội buôn lậu ma túy.

Để đối phó với nạn tham nhũng, ngành hải quan tính đến việc điều chuyển các nhân viên, không cho phép nhân viên được làm việc ở nơi sinh ra. Nhưng việc di chuyển lại rất tốn kém, và rất khó có thể tìm được những nhân viên sẵn sàng nhận sự điều chuyển đi nơi khác.