“Nạn nhân” của áp lực công việc

ANTĐ - Mới đây, sinh viên thực tập Moritz Erhardt, người Đức 21 tuổi đã đột tử vì làm việc quá sức. Cái chết của chàng trai đầy tham vọng này là bằng chứng điển hình của thế hệ thanh niên tự “đày ải” mình trong một môi trường học tập, làm việc có quá nhiều áp lực cạnh tranh hiện nay, nhất là ngành tài chính.

Cái chết của Moritz Erhardt như một lời cảnh báo về tình trạng 
làm việc quá sức trong môi trường cạnh tranh cao độ

Khát vọng của người trẻ

Đầu tháng 7, Moritz Erhardt làm thực tập sinh mùa hè tại Ngân hàng America Merrill Lynch ở London. Các văn phòng của Ngân hàng America Merrill Lynch nằm ở phần phía đông thành phố trong một tòa nhà 7 tầng gần Nhà thờ St Paul. Moritz được phân công cùng với 40 thanh niên nam nữ khác thực tập ở bộ phận đầu tư. 

Ngân hàng đầu tư là lĩnh vực khá “xương”, đòi hỏi sự dẻo dai, bền bỉ nhưng Moritz rất hào hứng. Nhà phân tích là cấp thấp nhất trong hệ thống nhân viên bộ phận đầu tư với công việc chính là phân loại hồ sơ công ty, nghiên cứu số liệu và thu thập dữ liệu về đối thủ cạnh tranh. Mức lương khởi điểm cho một nhà phân tích năm đầu tiên tại     Merrill Lynch là khoảng 54.000 euro, cộng với tiền thưởng khoảng 25.000 euro mỗi năm. Không ai nghi ngờ Moritz sẽ có được một vị trí như vậy.

Với ông bà Ulrike và Hans -Georg Erhardt Dieterle, con trai họ - Moritz tràn đầy năng lượng và quyết đoán. Năm 2011, Moritz tốt nghiệp thủ khoa trường Trung học Faust. “Nó học không nhiều, nhưng rất hiệu quả”, mẹ anh nói. “Đơn giản đó là cậu bé có năng khiếu”. Mặc dù được trường Kinh tế London nhận vào, Moritz đã chọn ở lại Đức để học. Ngôi trường mà anh chọn là WHU – Trường quản lý Otto Beisheim, trường đại học tư nhân đã sản sinh ra một số nhân vật hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp Đức. 

Sinh viên trường “đỉnh”

Khi Moritz còn nhỏ, ông Dieterle và vợ chưa bao giờ nghe nói đến WHU. Thế giới ngân hàng đối với họ rất xa lạ, nhưng họ hiểu danh tiếng của ngân hàng có sức mạnh khủng khiếp. Khi con trai đặt vấn đề theo học tại WHU, họ không đủ khả năng đóng 30.000 euro cho chương trình cử nhân nhưng vẫn cố chiều con bởi họ chỉ phải bỏ ra một nửa học phí, còn lại là vay từ quỹ do các thế hệ cựu sinh viên WHU lập ra.

Những năm gần đây, một số cuốn sách và bài báo mô tả sinh viên trường WHU là những thanh niên xác định cả đời gắn với việc kiếm tiền. Nhìn vẻ bề ngoài thì những sinh viên này cũng không “khác người” lắm, thậm chí phương châm của họ là học và chơi… hết mình. Alexander Hemker, 21 tuổi, bạn học cùng khóa với Moritz cho biết, một ngày ở WHU khá dài. Anh bắt đầu với bài giảng về luật thị trường vốn lúc 8h sáng và tới 23h bắt đầu ngồi vào bàn tự học. Để bù lại những khoảng thời gian vùi đầu vào học, sinh viên có lúc vẫn tụ tập ăn uống, tiệc tùng cùng nhau. WHU đòi hỏi rất nhiều ở các sinh viên và cũng mang lại cho họ rất nhiều. Khi tốt nghiệp, mỗi sinh viên được tặng một quyển sổ dày màu đỏ có in tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ email của tất cả các cựu sinh viên, một công cụ có giá trị trong tìm kiếm việc làm sau này.

Năm 2011, Moritz bước vào WHU bắt đầu chương trình cử nhân quản lý kinh doanh. Đó là một môi trường tuyệt vời bởi quanh anh toàn là những con người năng động, thông minh nhưng cũng rất khó khăn nếu muốn trở thành sinh viên xuất sắc. Bà Ulrike Erhardt nhớ lại, sau thời gian thực tập tại Mỹ, Moritz ở nhà 6 tuần, một khoảng thời gian đáng nhớ với tất cả thành viên trong gia đình. Khi đó, Moritz tâm sự: “Con có thể đạt điểm cao nhất nếu không làm phát ngôn viên của lớp nữa, giờ có quá nhiều việc phải làm, khó tập trung vào việc học chính”. Trong một trang viết sau này mà gia đình tìm thấy, Moritz tự nhận: “Ngay từ nhỏ tôi đã có tham vọng và thích cạnh tranh, đôi khi quá tham vọng dẫn đến tự gây tổn thương”.

Giá như có người “ghìm” lại

Làm việc rất nhiều, thức đêm triền miên để kịp với tốc độ điên cuồng của ngành công nghiệp tài chính, hôm 15-8, chàng thanh niên 21 tuổi người Đức này đã quỵ trong phòng tắm, đồng nghiệp đến nơi thấy thi thể anh dưới vòi sen.

Bà Erhardt nhìn thấy con trai mình lần cuối cùng trên Skype chiều chủ nhật 11-8. “Moritz, con trông nhợt nhạt quá. Con không ngủ đủ giấc à?”, “Vâng, thưa mẹ”, anh trả lời. Hôm ấy, Moritz rất vội. Kỳ thực tập của anh chỉ còn 1 tuần nữa. Sau đó, Moritz đã viết 3 email từ London, 2 thư cuối đều lúc 5h sáng. Không ai biết khi đó Moritz có mặt tại ngân hàng hay không nhưng chắc chắn anh đã làm việc quá sức.

Tro của Moritz được đặt tại thành phố quê hương Staufen thị trấn Breisgau, phía nam thành phố Freiburg ở tây nam nước Đức. Báo cáo khám nghiệm tử thi chưa được công bố. Kết quả ban đầu cho thấy, Moritz đã bị một cơn động kinh. Một giả thuyết cho rằng, sức khỏe của cậu đã suy sụp do thiếu ngủ, nên khi lên cơn động kinh trong buồng tắm, Moritz bị bất tỉnh và tử vong. Đây vẫn chỉ là giả thuyết còn phía ngân hàng không đưa ra bình luận gì về thời gian làm việc đối với sinh viên thực tập. Kể cả dự án mà Moritz tham gia như thế nào, ngân hàng cũng không nhắc đến. 

Đến giờ, cha mẹ anh vẫn chưa hết sốc. Bản thân Moritz tự cho mình là đối thủ lớn nhất cần vượt qua. Tham vọng của cậu đến từ đâu? Hiển nhiên không phải từ cha mẹ, một nữ y tá khoa nhi và một bác sĩ tâm thần bởi họ không khuyến khích hay thúc ép con mình. Nhiều người cũng tự hỏi, nếu Moritz thức đêm làm việc liên tục như vậy, tại sao không có ai nhắc anh về nhà nghỉ ngơi?