Nắn dòng tiền chảy đúng hướng

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ nhắc đi nhắc lại là Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực rất lớn trong dân. Làm sao huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân, thay vì gửi với lãi suất 0% như hiện nay để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển sản xuất. 

Thủ tướng đặt câu hỏi: Ngân hàng Nhà nước có chủ trương quyết liệt chống đô la hóa, nhưng còn giải pháp huy động nguồn lực USD trong dân thế nào?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Song, để đạt được đích này thì phải nắn được dòng tiền đúng hướng. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng, dòng tiền không nên chảy vào một số đại gia mà phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, nói cách khác là đầu tư cho sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Mặc dù mỗi năm có 100.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng số doanh nghiệp “khai sinh” nhiều mà “khai tử” cũng không ít. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có đến 23.000 doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động, trong đó có nguyên nhân do khó tiếp cận tín dụng. Vì vậy, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm. Việc tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay là vấn đề “nóng” khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải đạt được từ 18-20%.

Vậy làm thế nào để có giải pháp huy động và cho vay? Hiện tại, lãi suất ngắn hạn đang ở mức 6%/năm, trong khi lãi suất trung và dài hạn là 9-11%. Theo phân tích của giới chuyên gia, với dư nợ tín dụng của nền kinh tế vào khoảng 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm thì các doanh nghiệp sẽ được “rót” khoảng 50.000 tỷ đồng. Nếu tính cứ đầu tư 5 đồng vốn thì thu về được 1 đồng lãi tức là các doanh nghiệp đã có thêm 10.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Điều này vừa làm cho doanh nghiệp có tiền để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, mà ngân sách Nhà nước vừa có thêm 2.000 tỷ đồng từ thuế. Con số này còn góp phần đẩy tăng trưởng GDP khoảng 0,25%. Hơn thế, hiện nợ công của nước ta khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm thì còn tiết kiệm được cho ngân sách 10.000 tỷ đồng.

Muốn hạ lãi suất phải xử lý nợ xấu, nhưng không thể một sớm một chiều mà phải có lộ trình. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của NHNN. Tuy nhiên, việc nắn dòng tiền chảy đúng hướng, nhất là huy động nguồn lực USD trong dân hoàn toàn nằm trong tầm tay của NHNN khi tăng trưởng tín dụng khá tốt, huy động tín dụng tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là lòng tin thị trường ngày càng vượt chắc.