Nạn bắt cóc trẻ em ở Trung Quốc: Mờ mắt vì tiền

(ANTĐ) - Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 30.000-60.000 trẻ em tại Trung Quốc - đất nước có số dân đông nhất thế giới bị mất tích. Cảnh sát Trung Quốc dường như bất lực trước tình trạng này khi mà bọn tội phạm coi đây là một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận tương đương buôn bán ma tuý. Có những ông bố, bà mẹ đau khổ ròng rã cả chục năm trời đi tìm con, nhưng họ vẫn không nguôi hy vọng bởi bên họ có sự chung tay giúp sức của cộng đồng.

Nạn bắt cóc trẻ em ở Trung Quốc: Mờ mắt vì tiền

(ANTĐ) - Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 30.000-60.000 trẻ em tại Trung Quốc - đất nước có số dân đông nhất thế giới bị mất tích. Cảnh sát Trung Quốc dường như bất lực trước tình trạng này khi mà bọn tội phạm coi đây là một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận tương đương buôn bán ma tuý. Có những ông bố, bà mẹ đau khổ ròng rã cả chục năm trời đi tìm con, nhưng họ vẫn không nguôi hy vọng bởi bên họ có sự chung tay giúp sức của cộng đồng.

Những giọt nước mắt hạnh phúc của ông Vương Bàng Âm - một nông dân tỉnh Quý Châu khi tìm lại được cậu con trai bị bắt cóc

Những giọt nước mắt hạnh phúc của ông Vương Bàng Âm  - một nông dân tỉnh Quý Châu khi tìm lại được cậu con trai
bị bắt cóc

Ký ức đau buồn

Ông Quách Cương Đường làm nghề bán ống sáo bầu - một loại nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc tại thành phố Bắc Kinh. Công việc buôn bán của ông không được đều đặn lắm, cũng bởi cửa hàng ông thuê nằm khuất trong con ngõ nhỏ. Mỗi tháng ông cũng kiếm được hơn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 120 USD). Chủ thuê nhà này biết hoàn cảnh ông cũng không lấy tiền thuê nữa. Toàn bộ số tiền tích cóp được, ông đều dành dụm để mỗi khi đủ một khoản kha khá, ông lại tiếp tục công việc đã làm hơn 13 năm nay: đi tìm đứa con trai Tân Chấn bị bắt cóc từ năm lên 2 tuổi.

Thế giới như sụp đổ dưới chân ông vào ngày định mệnh 21-9-1997, ông từ nhà máy về nhà ở tỉnh Sơn Đông sau một ngày làm việc thì thấy nhà có rất đông người. Đoán ngay có sự chẳng lành, đứa con trai hơn 2 năm tuổi của ông đã bị bắt cóc. Những người hàng xóm kể lại, cậu bé Tân Chấn đang chơi cùng một bé gái hàng xóm trước cửa nhà thì có một phụ nữ đến gần. Người đàn bà lạ mặt này cầm chiếc khăn tay lau mặt cậu bé, rồi bỏ đi. Rồi sau đó không ai nhìn thấy bé Tân Chấn  đâu nữa.

Ông Quách báo cảnh sát, cả dân làng đổ xô đi tìm cậu bé. Hai vợ chồng ông đều xin nghỉ việc để đi tìm con, họ dán ảnh cậu bé khắp nơi và thuê cả người tìm kiếm với chi phí 1 euro/ngày. Tính đến nay, gót chân của ông Quách đã đi hầu khắp các tỉnh của đất nước Trung Quốc rộng lớn. Dầu vậy, tin tức về đứa con trai yêu quý vẫn bặt tăm.

11 năm sau ngày cậu bé Tân Chấn mất tích, ngày 30-11-2008 là một ký ức đau buồn đối với gia đình ông Lý Thọ Toàn ở thành phố biển Liên Vân Cảng. Ông Lý Thọ Toàn là chủ một xưởng sản xuất giầy thể thao nhỏ, ông mở quầy bán giới thiệu sản phẩm ngay trước cửa nhà.

Buổi sáng hôm đó, cửa hàng có rất đông khách, nhưng ông vẫn để mắt thường xuyên đến cậu con trai Bảo Đồng, 2 tuổi đang chơi đùa phía trước nhà. Tuy nhiên, ông Lý không để ý thấy có một người đàn ông đã quẩn quanh khu vực đó hồi lâu và hắn đã lợi dụng lúc đông người bế cậu bé đi mất. Khi ông Lý Thọ Toàn giật mình thấy con đã khuất tầm mắt liền chạy ra thì đã không thấy cậu bé đâu…

Những con số giật mình

Ước tính mỗi năm có khoảng 30.000-60.000 trẻ em bị mất tích - con số khiến nhiều người giật mình. Chúng bị bắt cóc đem bán, kết cục của những em nhỏ không may là phải làm việc như những nô lệ thời hiện đại ở các lò gạch đen, hoặc các nhà thổ…

Con trai có một tầm quan trọng đặc biệt tại các gia đình ở Trung Quốc. Hiện nay, nhiều người muốn có con nhưng không thể mang thai, các thủ tục nhận con nuôi lại rất phiền phức, hơn nữa những đứa trẻ được chuyển vào trại trẻ mồ côi thường là bị khiếm khuyết cơ thể, chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 con… những điều này tạo cơ hội cho bọn bắt cóc buôn bán trẻ em ngày càng gia tăng hoạt động. Chúng có thể bán với giá lên tới 4.000 USD cho mỗi bé trai và một nửa giá đó cho mỗi bé gái. Đôi khi chúng còn bán theo “đơn đặt hàng” cho những khách hàng giàu có với mức giá thấp nhất là  8.000 USD.

Cùng với đó, những gia đình nông dân nghèo không thể nuôi nổi con nên buộc phải bán để nuôi miệng ăn cho những đứa con khác. Thậm chí, một số còn coi việc mang thai và bán đứa con mới chào đời là một nguồn thu nhập của gia đình - mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với lao động vất vả trên đồng ruộng.

Cảnh sát Trung Quốc đã lập ra một đơn vị đặc biệt để đối phó với tình trạng bắt cóc phụ nữ và trẻ em. Theo con số thống kê chính thức, trong năm 2009, cảnh sát chỉ giải cứu được 3.400 trẻ em khỏi nanh vuốt của bọn buôn người. Tại nhiều địa phương, một đứa trẻ chỉ được coi là mất tích sau 24 giờ và cảnh sát mới vào cuộc, với thời gian đó, bọn bắt cóc đã cao chạy xa bay.

Phần lớn những đứa trẻ bị bắt cóc được cảnh sát tìm thấy khi triệt phá các ổ nhóm buôn bán trẻ em đều phải đưa vào các trại trẻ mồ côi vì không tìm được bố mẹ đẻ của chúng. Năm ngoái, khi cảnh sát cho đăng ảnh của 60 trẻ em được giải cứu lên Internet, chỉ có 7 em được người nhà đến nhận. Trong khi đó, hơn 230 phòng thí nghiệm được thành lập trên khắp cả nước để phân tích ADN của bố mẹ và những em được giải cứu. Hơn 20.000 mẫu đã được thu thập - tuy nhiên con số này là quá ít ỏi so với đất nước có số dân đông nhất thế giới này.

Cộng đồng chung tay

Tại nhà ga xe lửa lớn ở Trùng Khánh - thành phố nằm bên sông Dương Tử, một nhóm các bạn trẻ đang giơ cao tấm biểu ngữ để mọi hành khách có thể nhìn thấy - “Hãy tham gia chiến dịch tình nguyện từ Trùng Khánh để tìm người thân”.

Thẩm Hạo, một chuyên gia máy tính 41 tuổi đến từ tỉnh An Huy, đã trở thành tình nguyện viên tích cực của chiến dịch. 9 năm trước đây, anh đã quyết định giúp đỡ các gia đình có con em bị mất tích khi đọc một bài báo về 3 cô gái bị mất tích. Từ đó đến nay, anh đã đi khắp các thành phố lớn của Trung Quốc với những tấm thẻ ảnh của các nạn nhân mà anh thu thập được.

Trên mỗi tấm thẻ cũng đưa ra lời khuyên về cách đề phòng bọn bắt cóc trẻ em, như “hãy luôn để con cái trong tầm mắt của bạn”, hoặc “đánh dấu” con bạn với đặc điểm dễ nhận ra nhất để việc tìm kiếm của chúng tôi có hiệu quả”. Tính đến nay, có khoảng 80 người đã tìm thấy người thân nhờ thông qua trang web và những tấm thẻ của nhóm Thẩm Hạo.

Còn đối với ông Quách Cương Đường, suốt 13 năm rong ruổi tìm con, mặc dù hạnh phúc chưa mỉm cười với ông, nhưng ông đã giúp được nhiều người có cùng cảnh ngộ. Năm 2007, ông Quách tham gia tổ chức chương trình “Hãy về nhà, con yêu” để giúp đỡ những gia đình có con em mất tích.

Ông đã thu thập thông tin chi tiết về hơn 400 trẻ em mất tích. Ông còn dán ảnh của chúng lên một tấm poster lớn và mang poster đó đi cùng mình trong suốt hành trình tìm con. Đến nay, ông đã giúp 7 đứa trẻ bị bắt cóc tìm lại được người thân. Ông Quách cũng trở thành một tình nguyện viên cho một cộng đồng trên mạng được thành lập bởi những bậc cha mẹ cũng đau đớn như ông khi con em bị bắt cóc.

Nguyễn Hà

(Tổng hợp)