Nắm tay vượt khủng hoảng

ANTĐ - Diễn đàn châu Á Bác Ngao được xem như diễn đàn “Davos của châu Á” đã bắt đầu ngày 7-4 tại thị trấn Bác Ngao thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc với kỳ vọng thắt chặt hợp tác giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nắm tay vượt khủng hoảng ảnh 1
Phiên họp toàn thể của Diễn đàn Bác Ngao


Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2013 sáng 7-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, châu Á là một khu vực có sức sống và tiềm năng phát triển nhất hiện nay, đồng thời sự phát triển của châu Á gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các châu lục khác. Trong bài phát biểu với chủ đề “Cùng tạo ra tương lai tốt đẹp cho châu Á và thế giới”, tân Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, châu Á đã trở thành một đầu máy tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, song cần phải chuyển đổi mô hình phát triển để phù hợp với xu hướng thời đại.

Sau khai mạc của người đứng đầu nước chủ nhà, Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay bước vào 51 cuộc hội thảo trong 3 ngày với rất nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau, tập trung vào kinh tế, tài chính. Trong đó đáng chú ý là các nội dung về cải cách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới đường lối phát triển cho các khu vực, xóa đói giảm nghèo, cải cách cơ chế xử lý tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ và hợp tác khu vực... 

9 vị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thuộc châu Á và trên thế giới như Thủ tướng Australia, Tổng thống Kazakhstan, Tổng thống Mexico… sẽ là diễn giả tại các cuộc thảo luận chính tại Diễn đàn Bác Ngao. Người đứng đầu các tổ chức quốc tế cùng hơn 2.000 đại biểu đại diện cho giới công thương, doanh nghiệp, tài chính tiền tệ, học giả... trong đó nổi bật là tỷ phú Bill Gates cũng có bài thuyết trình tại diễn đàn với chủ đề “Đổi mới, trách nhiệm, hợp tác: Châu Á mưu cầu cùng phát triển”.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay diễn ra trong lúc mà điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên đang gay gắt, tác động tới toàn bộ các lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế khu vực. Chính vì thế, dù trao đổi về các vấn đề kinh tế là chính nhưng nhận diện và ứng phó với những thách thức ổn định và an ninh trên bán đảo Triều Tiên sẽ tác động, chi phối tới diễn đàn.

Không nêu rõ thách thức mới từ điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, sự ổn định ở châu Á hiện nay đang gặp phải những thách thức mới trong bối cảnh các vấn đề nóng tiếp tục xuất hiện, và tồn tại cả những mối đe dọa an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Từ đó ông kêu gọi các quốc gia châu Á tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm đảm bảo sự ổn định ở khu vực cũng như xúc tiến hợp tác.

Mối quan tâm lớn nhất, theo Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao Chu Văn Trọng, đó là do chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các quốc gia châu Á đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói không đồng nhất. Vì thế, các nước và khu vực ở châu Á cần tập trung sức lực cùng nhau phát triển, cùng nhau hành động, hợp tác cùng có lợi. 

Ông Tổng thư ký cho rằng, Diễn đàn năm nay là cơ hội để các đại biểu đi sâu phân tích những khó khăn mà châu Á gặp phải trong quá trình phát triển, từ đó tìm kiếm con đường, tiếng nói chung để vượt qua thách thức cũng như khủng hoảng.