Nắm tay chờ trời sáng

ANTĐ - Tôi không tin là mình còn có một đứa con ngoài giá thú. Càng không tin vào tai mình khi vợ tôi nói bằng tiếng khóc trong máy điện thoại: “Tôi... tôi với anh sẽ... sẽ chia... chia tay nhau”. Trời đất cuồng quay và tôi bắt buộc phải làm cái việc gọi là nghiêm túc.

Đặt điện thoại di động xuống mặt bàn, tôi hờ hững nhìn làn hơi nước nhẹ bốc lên từ ly cà phê đen nóng. Không uống cũng biết cà phê đắng chát. Tôi bắt đầu kiểm điểm lại sự việc. Việc gì trước đây? Đứa con ngoài giá thú của tôi hay chuyện vợ tôi dứt khoát đòi li dị? Cả hai việc đều khó khăn và đều cần có lời giải.

Chiếc bàn nhỏ vừa đủ chỗ cho hai người ngồi cùng hai ly cà phê giờ bỗng rộng ra mênh mang. Ly cà phê nhìn đen kịt như nó được móc ra từ xó xỉnh nào đó. Một ống cống tanh lờm chẳng hạn? Một bãi nước miếng ai đó khạc ra đã khô chét?

Vậy sẽ nghĩ về điều gì đầu tiên? Đứa con ngoài giá thú hay vợ đòi li dị? Tôi loay hoay nghĩ, chốc chốc lại gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn nước. Tôi gõ đã nhiều lần và tiếng gõ cũng to dần. Bàn bên cạnh đã ném về phía tôi những cái nhìn nhắc nhở. Tôi đâu quan tâm đến sự nhắc nhở đó bởi lẽ tôi đang bận suy nghĩ. Lại gõ gõ ngón tay xuống bàn lại những cái nhìn ném về phía tôi nhưng bây giờ những cái nhìn đó không hàm ý nhắc nhở nữa. Bàn bên cạnh nhìn tôi như kiểu họ đang đoán tôi là ai.

Họ đang đoán tôi là một người thành đạt nên phởn chí? 

Người bình thường không ai lặp đi lặp lại điệp khúc gõ ngón tay có lẽ họ lại đang đoán tôi là người có vấn đề về sức khỏe tâm thần? 

Nghĩa là giờ đến lượt tôi đoán định bàn bên cạnh họ là ai.

Tôi đã hút xong điếu thuốc lá thứ 10. Bao Vinataba vơi đi một nửa. Những bảy ngàn rưởi đi vèo chứ ít à? Tôi vẫn chưa nghĩ xem quyết định là sẽ chọn vấn đề đứa con ngoài giá thú trước hay vợ đòi li dị trước. Một quyết định rất khó khăn.

Không thoát được sự lựa chọn nào thích hợp. Tôi quay sang gọi điện thoại cho mẹ tôi. Bà là mẫu người phụ nữ tuyệt vời nhất trên trái đất này hẳn bà sẽ cho tôi lời khuyên trong cơn bĩ cực. “Mẹ à. Con đây. Bố con khỏe không?”. Tôi rào đón bằng câu hỏi cũ rích như thế. Phía bên kia mẹ tôi trả lời cũng bằng câu cũ rích “Mẹ khỏe. Bố con cũng khỏe. Bao giờ con về?”. Tôi lúng búng một lát rồi cũng phải nói thật. “Theo mẹ con nên nghĩ về chuyện con có đứa con ngoài giá thú trước hay nghĩ về chuyện vợ con đòi li dị trước?”. Phía bên kia mẹ tôi lặng đi. Tôi chỉ nghe trên máy tiếng lạo xạo như ai đó đang dịch chuyển những chiếc tủ nặng mà thiếu người trợ giúp. Tiếng lạo xạo nhỏ dần và giọng mẹ tôi lo lắng vang lên “Con về nhà đi. Về nhà bố mẹ mới nói với con được”. Mẹ tôi, chỗ bấu víu lúc này trả lời như vậy nghĩa là tôi vẫn chưa có lời khuyên nên chọn vấn đề nào để suy nghĩ trước. “Không kịp đâu mẹ. Nếu con về tới nhà thì mọi sự đã xong mất. Mẹ cho con lời khuyên ngay bây giờ”. Lại vang lên những tiếng lạo xạo của ai đó đang dịch chuyển tủ quần áo. Tôi bắt đầu lo lắng “hay là vợ tôi đang có mặt ở đó và chính là vợ tôi đang chuyển quần áo để rời khỏi nhà?”.

Nếu đúng thế thì nguy mất. Một thoáng khôn ngoan chợt đến “Mẹ ạ. Con tính sẽ nghĩ về chuyện vợ con đòi li dị trước”. Tiếng lạo xạo như ai đó đang chuyển tủ quần áo đi ngừng bặt. Tốt rồi vợ tôi chắc đã nghĩ lại nên cô ấy thôi tính đến chuyện đưa quần áo ra khỏi tủ. Nghĩa là cô ấy tạm gác chuyện đòi li dị. Tôi mừng rơn và nhanh chóng chuyển hướng suy nghĩ sang chuyện đứa con ngoài giá thú. “Mẹ ạ. Chuyện vợ con đòi li dị tạm hoãn đã. Giờ con nghĩ đến chuyện đứa con ngoài giá thú của con”. Tôi gào vội vàng trong máy điện thoại hy vọng mẹ tôi đã kịp ngăn cô con dâu quý của bà xếp lại ngăn tủ quần áo. Từ bên kia vọng tới tiếng dịch chuyển tủ quyết liệt hơn. “Mẹ bảo vợ con đừng vội giỡ quần áo trong tủ” tôi nói hấp tấp “Con sẽ nghĩ đến chuyện vợ đòi li di ngay bây giờ”. Rất hiệu quả. Bằng chứng là tiếng dịch tủ ngừng ngay tức khắc. Hóa ra chuyện li dị vợ phải có trước chuyện đứa con ngoài giá thú. Tôi như phát hiện ra điều tâm đắc mới mẻ.

Và tôi nghĩ đến hai tình huống. Tình huống thứ nhất là vợ tôi nhất khoát đòi li dị. Tôi sẽ phải làm gì khi tình huống đó xẩy ra? Im lặng nhìn vợ tôi xách đồ đạc ra đi. Cô ấy bước ra tới cửa quay lại nhìn tôi và.... khạc xuống nền nhà một bãi nước bọt. Thật ê chề hết chỗ nói. Các cụ ta thường bảo “Đàn bà đã nhổ nước bọt là họ khinh mình lắm”. Tôi đâu đáng khinh như thế. Vậy tốt nhất là tôi sẽ chạy ra níu cánh tay cô ấy lại. Tôi sẽ nói thế nào nhỉ? Lại phải nghĩ rồi. Sao từ tối đến giờ tôi phải nghĩ nhiều thứ đến vậy? Việc suy nghĩ như dòng nước không ngừng chảy từ cao xuống thấp.

Tôi hình dung tiếp tình huống thứ hai. Vợ tôi khóc chán thì bước lên giường và nằm ngủ. Tôi ưa tình huống này vì vợ tôi đôi khi vô cớ cũng cấm cửa nói chuyện. Chuyện cô ấy thi thoảng giận dỗi mở “chiến tranh lạnh” không mới. Vậy tình huống này xem như đã xong. Đàn bà mở chiến tranh lạnh là họ dùng kế hạ sách đối với đàn ông rồi. Tôi thấy không sợ và an tâm dành công sức còn lại để nghĩ đến chuyện đứa con ngoài giá thú. Tôi nhắc điện thoại lên và nói “Mẹ à. Con có đứa con ngoài giá thú”. Chắc giọng tôi cầu khẩn lắm nên mẹ tôi trả lời ngay “Thôi thì thêm con thêm của. Anh là đáng đòn lắm đấy”. Ôi con đội ơn mẹ. Tôi định reo lên như thế song kịp dừng lại. Mẹ tôi là mẫu người phụ nữ vị tha. Bà sẽ tha thứ ngay cho tôi. Tôi biết ngay mà. “Anh bao giờ về nhà để tôi còn sang bên ngoại xin cho anh”. Thôi chết rồi. Sự việc bắt đầu khai triển theo hướng số đông mất rồi. “Ai mà nắm tay tới sáng được. Nhưng tội của anh lại làm mẹ anh đau đấy”. Mẹ tôi nói liền một mạch. Đúng là con dại cái mang. Các cụ ta xưa nói quả không sai tí nào. Tôi giờ mới cảm thấy ân hận vì trót gọi điện xin lời khuyên của mẹ. 

Tôi rời khỏi bàn nước làm mấy động tác vặn mình. Đỡ mỏi hẳn. Ly cà phê nguội ngắt đã bắt đầu cô lại bám thành bờ quanh chiếc ly thủy tinh. Cái mầu đen bám bờ ấy trông thật chán. Chán như bộ mặt của tôi lúc này vì khi tôi liếc vào chiếc gương dựng thành cột bốn cạnh có khắp trong quán, tôi thấy bộ mặt của tôi bị biến dạng với đủ các chiều kích cảm xúc khác nhau. Tôi ể oải đặt mông xuống chiếc ghế mà tôi đã sở hữu nó suốt từ sáng đến giờ.

Chuông điện thoại reo khẩn thiết. 

Số máy hiện lên trên màn hình là số máy của vợ tôi. 

Tốt rồi! Dù sao tôi cũng run run khi “a lô”. Đầu bên kia giọng nói của vợ tôi nghe chắc nịch “Em nghĩ lại rồi... anh đem đứa bé về nhà đi”. Không thể tin nổi tình hình diễn ra ngoài dự kiến. Có thể vợ tôi thông cảm. Tôi hí hửng và nhanh chóng rời bàn và bỏ luôn ly cà phê chưa uống. 

Bước chân ngang qua những chiếc gương hình cột tôi giật mình trông thấy khuôn mặt trong gương giờ tròn căng. “Mình tăng cân nhanh đến thứ ư?” tôi tự hỏi và liếc dung nhan lần nữa. Bộ mặt tròn căng vẻ mĩ mãn khẽ dịch sang trái. Phía đó là khuôn mặt méo mó đến thảm hại. Hai khuôn mặt trái ngược nhau như một trò ú tim con trẻ. Tôi ngoáy đầu sang phải: Khuôn mặt trong gương tròn căng mĩ mãn. Tôi ngoáy đầu sang trái: Khuôn mặt trong gương méo mó thảm hại. Sự đối nghịch hay là cái tương phản bộc lộ cảm xúc khác nhau. Nỗi sợ hãi và niềm hân hoan luôn song hành.

Tôi lưỡng lự dừng bước chân lại.

Không xong rồi. Vợ tôi là người nghiêm túc cô ấy không thể rời xa tôi mà không có mặt tôi. Những năm chung sống tôi biết cô ấy luôn rành rẽ mọi chuyện. Việc cô ấy đề nghị tôi về nhà và đem theo đứa con hẳn có lý của nó. Đó là lý do gì? Tôi lại thêm điều cần suy nghĩ nữa. Thật khổ những suy nghĩ thấp thỏm luôn thường trực trong cái đầu của tôi, cái đầu chứa đầy những điều chưa nói xong. Tôi lơ mơ nhận ra cuộc đời tôi là chuỗi dài những suy nghĩ?

Tôi quay lại bàn nước, ngồi xuống chiếc ghế tôi đã ngồi từ sáng. Ly cà phê nguội ngắt. Tôi gõ gõ đầu ngón tay xuống mặt bàn. Tiếng gõ kêu cộc cộc.

Tôi còn có một đứa con ngoài giá thú!

Tôi sắp bị vợ bỏ?