Nắm tay cho chắc

ANTĐ - Liên tiếp trong những năm gần đây, nhiều quốc gia giàu và mạnh về kinh tế, tài chính; chặt chẽ, kín kẽ về luật pháp cũng phải lao đao, vất vả chống đỡ trước “cơn lũ” hàng hóa từ Trung Quốc. Từ các nước châu Âu tới châu Á, Mỹ... đều phải chống chọi hết sức khó khăn, nói gì Việt Nam liền tường vách, chung phên giậu chẳng khác gì “cửa xả lũ” hàng hóa từ phương Bắc. Xuất đi 1 đồng “của ngon”, nhập về 5 đồng “của rẻ, của ôi”, đến bao giờ mới tỉnh ngộ?

Rau quả tươi ăn vào héo ruột, đồ chơi trẻ em, quần áo có chứa formaldehyde độc hại, đồ gỗ, kính xây dựng, thép chất lượng tồi... muôn nẻo, mọi cách đổ vào nước ta. Ai lo sức khỏe và bảo vệ quyền lợi của người dân trước hàng ngoại nhập kém chất lượng? Ai che chắn, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, nếu không phải chính bản thân doanh nghiệp?

Thật hiếm hoi thấy các hãng sản xuất kính xây dựng Việt Nam dường như đã bước đầu thành công trong việc kêu gọi Nhà nước dựng lên hàng rào tự vệ trước “làn sóng” kính Trung Quốc. Song, đã có người đi tiên phong, chưa thấy ai tiếp bước. Nếu các hãng sản xuất quần áo trong nước bị chèn ép bởi quần áo, vải vóc, phụ kiện dệt may ngoại nhập nhiễm độc hại, thì họ phải nắm tay nhau cho chắc, kết thành một khối. Tự quyên tiền để nghiên cứu, đưa ra bằng chứng thuyết phục Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng ngoại kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ sự sống của mình.

Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, ngăn chặn hàng ngoại có hại một cách kín đáo nhất, khôn ngoan nhất và hợp pháp nhất chính là dựng các hàng rào kỹ thuật. Hàng rào phải do chính bàn tay các doanh nghiệp trong nước hợp sức nghiên cứu và đề xuất, kiên trì vận động chính quyền chấp nhận và thực hiện. Nếu chỉ giỏi kiếm tiền, thậm chí “giật” tiền của nhau mà không lo liên kết với nhau, góp tiền của để nghiên cứu xây dựng chuẩn thì mãi vẫn bị chèn ép, thua thiệt ngay trên “sân nhà” mình. Vai trò của các hiệp hội ngành nghề đâu chỉ lo sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh. Thụ động và chậm phản ứng với hàng ngoại kém chất lượng, độc hại là cái giá mà chúng ta phải trả cho những hiệp hội mang nặng tính hành chính từ trên xuống dưới.

Đó là những mô hình nằm cạnh Nhà nước, đôi khi còn nói thay Nhà nước. Cán bộ, quan chức hiệp hội nhiều khi hành xử như công chức Nhà nước, cũng ngồi chờ chỉ và hướng dẫn thực hiện từ trên xuống. Chậm phản ứng trước những biến diễn trên thị trường cũng là cái giá phải trả cho tình trạng thiếu các trung tâm phản biện và dự báo chính sách độc lập. Một bộ luật về quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật đã được ban hành từ năm 2006, mà đến nay đụng đến đâu cũng thấy thiếu chuẩn. Mặt khác cũng phải thừa nhận rằng, dân ta quá “dễ tính”. Sống quen thiếu thốn và thiếu tự tin nên không đủ can đảm từ chối và tẩy chay hàng ngoại kém chất lượng và có hại. Cũng có những trường hợp sốt sắng và ồn ào phản ứng trước một số mặt hàng ngoại nhập “có vấn đề”, song chỉ rộ lên chốc lát rồi đâu lại vào đấy.

Nếu cứ bó hẹp trong lợi ích bộ, ngành nghề và địa phương, ai cũng chỉ biết lo cho mình mà lo không nổi, thì lợi ích quốc gia, lợi ích quốc dân sẽ bị “bỏ quên”. Kêu gọi “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khích lệ tinh thần yêu nước là cần thiết, nhưng trước hết, giới doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và giới chức quản lý phải gắn bó, nắm tay nhau cho chặt, cho chắc mới kết thành “nắm đấm” chống chọi với cuộc tấn công của hàng ngoại kém chất lượng, có hại đang ngày càng tràn lan, lấn át.