Nắm lấy cơ hội

ANTĐ - Vừa mới đây, tổ chức tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor’s đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống cấp độ triển vọng tiêu cực lần đầu tiên kể từ năm 1941. Đây là tín hiệu chứng tỏ nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đang cận kề suy thoái trở lại. Nếu như Mỹ lại rơi vào suy thoái, giá cổ phiếu và hàng hóa sẽ tiếp tục “lao dốc”. Giống như kịch bản hồi 2008, điều này gây ra những “cú sốc” lớn cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu kinh tế Mỹ suy thoái trở lại, nó chứng tỏ các gói kích cầu của Mỹ và các nền kinh tế khác là kém hiệu quả. Suy thoái lần này đòi hỏi một cuộc cải cách toàn diện hệ thống tiền tệ cũng như thương mại để hướng tới tăng trưởng dài hạn bền vững, thay vì hỗ trợ ngắn hạn. Nhìn xa và lo trước, thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm tất yếu sẽ tác động mạnh đến nước ta.

Dẫu vậy, như Quốc hội và Chính phủ đã khẳng định sự phát triển của nước ta về cơ bản phải dựa vào nội lực cải cách trong nước. Đây là cơ hội để nước ta tái cơ cấu nền kinh tế mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí cho việc kiềm chế lạm phát. Còn nhớ năm 2008, khi Mỹ rơi vào suy thoái, giá hàng hóa trên thế giới giảm mạnh khiến đà tăng lạm phát của Việt Nam được kìm hãm nhanh không ngờ.

Tháng 8-2008 mức lạm phát “leo” lên tới đỉnh là 28,33%, sau đúng một năm tháng 8-2009, lạm phát đã tụt xuống mức thấp nhất là 1,97%. Nếu kịch bản suy thoái “đáy” lần này của Mỹ lại tái diễn, nhiều khả năng đà tụt giảm của chỉ số giá tiêu dùng trong nước ta sẽ có thêm động lực đi xuống. Giá xăng dầu trong nước có thể giảm sẽ “gánh đỡ” chi phí đầu vào, giá hàng hóa, nguyên vật liệu giảm bớt và lạm phát cũng từ từ tụt xuống. Cho tới thời điểm này, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của lạm phát hiện tại là do chính sách kích cầu năm 2009. Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, nguyên nhân này đã được chuyên gia phân tích, bởi việc kích cầu ồ ạt khiến cho tổng cầu nền kinh tế tăng mạnh.

Hơn thế, lượng cung tiền lớn được “bơm” ra nền kinh tế khi thực hiện hỗ trợ lãi suất, càng tăng thêm áp lực lạm phát kéo dài. Ảnh hưởng lâu dài từ lượng tiền được bơm đã đẩy lạm phát “leo” lên rất nhanh và đạt tới tột đỉnh trên 20% tính theo năm vào thời điểm hiện tại. Một số chuyên gia có cơ sở khi cho rằng, nước ta đã bỏ lỡ một cơ hội cải cách nền kinh tế khi áp lực lạm phát vào năm 2009 hầu như không còn. Do vậy, nếu nước ta lại chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái thế giới lần nữa, thì Chính phủ cần đổi hướng hỗ trợ nền kinh tế. Thay vì thực hiện những gói kích cầu lớn nên chú trọng cải cách các yếu tố nội tại của nền kinh tế để nâng cao năng suất.

Không để tuột tay một lần nữa, phải nắm lấy cơ hội. Chính sách tiền tệ và tài khóa, theo khuyến nghị của giới chuyên gia, cần tiếp tục duy trì theo hướng chặt chẽ để đảm bảo lạm phát sẽ được kiểm soát dài hạn, chứ không vội buông lỏng do sự sụt giảm ngắn hạn của giá hàng hóa thế giới. Khi chính sách tiền tệ duy trì lãi suất hợp lý sẽ là một áp lực buộc các doanh nghiệp phải “thắt lưng” đồng vốn, phải tự tái cấu trúc để tồn tại và phát triển.