Năm Hổ - kể chuyện điều tra các vụ án về hổ

(ANTĐ) - Được bảo vệ bởi một “rừng” các quy định ngặt nghèo của pháp luật, nhưng đến nay, nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có “chúa sơn lâm” vẫn không ngừng bị con người săn bắt, giết hại vì mục đích thương mại.

Năm Hổ - kể chuyện điều tra các vụ án về hổ

(ANTĐ) - Được bảo vệ bởi một “rừng” các quy định ngặt nghèo của pháp luật, nhưng đến nay, nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có “chúa sơn lâm” vẫn không ngừng bị con người săn bắt, giết hại vì mục đích thương mại.

Các đối tượng buôn bán hổ hoạt động ngày càng tinh vi
 Các đối tượng buôn bán hổ hoạt động ngày càng tinh vi

“Giải cứu” 2 cá thể hổ sống… chờ nấu cao

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay, các lực lượng CATP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ, với nhiều đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, xẻ thịt… hổ, thu giữ gần 20 cá thể hổ, trong đó có 2 cá thể hổ sống. Việc “giải cứu” thành công 2 cá thể hổ sống đến nay vẫn được nhắc tới là chiến công lớn của công an Hà Nội trong nỗ lực bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Trở lại diễn biến vụ việc cách đây tròn 2 năm. Thời gian đó, giới “chuộng hổ” ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước liên tục truyền tai nhau về một đường dây chuyên cung cấp cao hổ cốt và các sản phẩm từ động vật hoang dã số lượng lớn, chất lượng đảm bảo.

Chủ “đại lý” bán buôn cao hổ cốt là Trượng “Dinh”, tức  Nguyễn Quốc Trượng (SN 1964), trú tại đường Quang Trung, quận Hà Đông. Trước đây, Trượng được biết tới là người có thâm niên buôn bán gấu và mật gấu. Gần đây, anh ta chuyển sang kinh doanh loại hàng cao cấp hơn là hổ và cao hổ.

Bộ xương hổ nặng 16kg bị cơ quan công an thu giữ
Bộ xương hổ nặng 16kg bị cơ quan công an thu giữ

Theo nhiều nguồn thông tin, mỗi lần “luyện cao”, thông thường Trượng nấu một con hổ có trọng lượng khoảng 2 tạ, hoặc vài chú hổ con tổng cân nặng tương đương… Nắm bắt được thông tin về đường dây mua bán, vận chuyển các sản phẩm động vật hoang dã, Đội 2.1 Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã lên kế hoạch, xác lập chuyên án tổ chức lực lượng bắt giữ.

Tiến hành xác minh các mối quan hệ làm ăn của Nguyễn Quốc Trượng, các trinh sát phát hiện, đối tượng chuyên cấp “hàng” cho Trượng là Nguyễn Thị Mùi (SN 1959), trú tại xã Văn Mỗ, quận Hà Đông. Theo các trinh sát báo cáo,  đêm 7-1-2008, 2 đối tượng sẽ thực hiện một giao dịch lớn tại Hà Nội. Kế hoạch bắt giữ các đối tượng nhanh chóng được triển khai.

Xẩm tối 7-1-2008, hàng chục trinh sát Đội 2.1 Phòng Cảnh sát môi trường đã chia thành nhiều mũi công tác, mật phục tại nhiều địa điểm trọng yếu mà các đối tượng mua bán hổ có thể đi qua… 21h, mũi trinh sát phục kích tại khu vực xã Tân Triều, huyện Thanh Trì phát hiện chiếc xe Toyota Zace BKS: 29X - 5613 đang lùi vào căn nhà số 49, Quốc lộ 70, thuộc xã Tân Triều (căn nhà được xác định là nơi Nguyễn Thị Mùi tập kết hổ) có biểu hiện nghi vấn.

Tiếp tục theo dõi, các trinh sát phát hiện một nhóm nam giới bước xuống xe, đi vào trong ngôi nhà này sau đó lom khom bê ra xe hai bao tải nặng. Các trinh sát đã ập tới kiểm tra, phát hiện trong 2 bao tải dứa là 2 cá thể hổ còn sống đã bị bắn thuốc mê.

Qua đấu tranh, Nguyễn Quốc Trượng khai nhận mua 2 cá thể hổ sống của Nguyễn Thị Mùi với giá 320 triệu đồng. Đối tượng Mùi khai nhận, trước đó 5 tháng đã mua 2 chú hổ non của một người không quen biết, nuôi chúng lớn được khoảng trên 50kg/con, đem bán cho Trượng. Cùng trong đêm đó, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng liên quan. Tại nhà của Mùi, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 2 hòm chứa rất nhiều cao động vật các loại.

Ngoài ra, phát hiện 7 con gấu loại lớn, 4 bộ tiêu bản hổ - báo nhồi bông... Tại nhà của Nguyễn Quốc Trượng, ở 472D Quang Trung, quận Hà Đông, phát hiện hai lò dùng để nấu cao hổ và một lượng lớn cao động vật các loại, 1 khẩu súng săn và nhiều giấy tờ liên quan. Băn khoăn vì... chưa tìm ra được những chứng cứ xác thực chứng minh việc Trượng tổ chức nấu cao ở đây, các trinh sát kiên trì kiểm tra.

Đến khoảng 4h sáng 8-1, lực lượng công an phát hiện một nhà bảo ôn được ngụy trang rất khéo léo, trong đó có chứa xác 4 con hổ ướp lạnh nằm ngồn ngộn với một đống thịt hươu, hoẵng và xương lợn…

Chặt đứt các đường dây buôn hổ

Trung tuần tháng 10-2009, Phòng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với CAH Thanh Trì chặt đứt một đường dây chuyên mua bán hổ từ các tỉnh phía Nam, Thanh Hóa ra Hà Nội tiêu thụ. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Mậu Duyên (SN 1985), HKTT tại Thọ Xương, Thanh Hóa. Ngày 16-10-2009, Duyên thông qua một số đối tượng môi giới đã bí mật chào bán 2 cá thể hổ có trọng lượng khoảng 150kg, với giá gần 4 triệu đồng/kg.

2 cá thể hổ đông lạnh được vận chuyển trên xe taxi
2 cá thể hổ đông lạnh được vận chuyển trên xe taxi

Nắm bắt được thông tin trên, Nguyễn Thị Yến - một đối tượng thu mua động vật hoang dã đã liên lạc đề nghị mua hổ. Sau vài lần gặp mặt, Duyên và Yến đã thống nhất giá cả mua hàng cũng như phương thức vận chuyển. Để đảm bảo an toàn, bí mật, Duyên đặt điều kiện với Yến có thể tự do giao hàng bất cứ đâu trên địa bàn Hà Nội. Đêm 15-10, Duyên gọi điện cho bạn, là lái xe taxi BKS: 30P-6679, điều xe từ Hà Nội về Thanh Hóa để chuyển hàng.

Chủ động vận chuyển hàng cấm trong đêm, các đối tượng hy vọng có thể “qua mặt” được lực lượng công an. Đến Hà Nội khi trời vừa đứng bóng, chiếc xe taxi chở 2 cá thể hổ đông lạnh dừng ở huyện Phú Xuyên để nghe ngóng tình hình. Sau khi hẹn địa điểm giao hàng tại Hà Nội, Duyên đi xe máy áp tải theo xe taxi chở hổ. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến trung tâm Hà Nội, các đối tượng đã bị cơ quan công an bắt giữ. Nguyễn Thị Yến đang chờ nhận “hàng” ngay sau đó cũng bị tóm gọn.

Lợi nhuận cao, nhiều đối tượng buôn hổ chấp nhận “rủi ro”, lén lút buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ ngay ở Thủ đô. Điển hình là vụ lực lượng Công an Hà Nội triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển xương hổ và các sản phẩm từng động vật rừng quý hiếm quy mô lớn, hoạt động hàng chục năm, trải dài các tuyến Bắc - Trung - Nam, do Nguyễn Minh Tuyên (SN 1967), trú tại thôn Xuân Thượng 1, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc cầm đầu.

Trước đó, lực lượng công an xác định Tuyên là đối tượng chuyên tổ chức thu mua, bán xương hổ và nhiều loại xương động vật rừng quý hiếm khác để nấu cao. Tìm hiểu các mối quan hệ làm ăn của Tuyên, lực lượng công an xác định một đầu mối cấp “hàng” chính cho Tuyên là Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1965), trú tại đường Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa.

Trong khi cơ quan công an đang củng cố tài liệu, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng trong đường dây này, ngày 10-1-2009, các trinh sát phát hiện một người đàn ông vừa ra khỏi nhà Nguyễn Thị Thanh Tâm, chở theo một bao tải, nghi là các sản phẩm từ động vật hoang dã đã tiến hành kiểm tra. Kiểm tra số hàng hóa người đàn ông này mang theo, cơ quan công an phát hiện trong 2 bao tải chứa 1 bộ xương hổ nặng 16kg và nhiều loại xương khác.

Với những tài liệu thu thập được, cùng lời khai của đối tượng vận chuyển, lệnh khám xét khẩn cấp nhà của Nguyễn Thị Thanh Tâm, tại đường Quốc Tử Giám nhanh chóng được thực hiện. Kiểm tra 2 kho nhà Tâm, cơ quan công an phát hiện, tạm giữ 69 bao tải xương động vật hoang dã, quý hiếm, trọng lượng khoảng 2 tấn; 1 tủ đá bên trong có 7 chân, tay gấu đông lạnh, và đặc biệt có 6 miếng da hổ.

Hành lang pháp lý chưa đủ sức răn đe

Thật không sai khi cho rằng: Trong số các loại hàng hóa buôn lậu, giá trị các loài động, thực vật hoang dã buôn bán bất hợp pháp thuộc loại cao nhất… sau ma túy. Tuy vậy, chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán động vật hoang dã, trong đó có hổ vẫn ở mức thấp, khung hình phạt tối đa đối với hành vi đặc biệt nghiêm trọng chỉ có 7 năm.

Với món hời có được từ buôn hổ, dễ hiểu khi hoạt động này vẫn diễn ra sôi động. Ví như một số vụ án “nổi” về săn bắn, vận chuyển, buôn bán hổ nêu trên tại Hà Nội, các đối tượng chính đều chỉ bị tuyên án tù treo…

Vậy nhưng, điều đáng nói hơn cả không phải là kẽ hở của luật pháp, mà là việc phối hợp thực thi pháp luật hiện nay chưa thật sự nhịp nhàng. Hay đúng hơn, công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ các đường dây buôn bán, vận chuyển hổ đang khoán trắng cho lực lượng công an.

Các lực lượng liên quan như Hải quan, Kiểm lâm… tham gia chưa thực sự hiệu quả. Có lẽ, khi mà các lực lượng chưa thể gắn kết chặt chẽ với nhau, thì nạn săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng chưa thể được ngăn chặn triệt để.

Thu Hạnh