Năm đầy thách thức với châu Á

ANTĐ - Là điểm sáng và chỗ dựa của kinh tế thế giới trong năm khủng hoảng và suy thoái 2011, song châu Á sẽ phải đối mặt với một năm 2012 đầy thách thức do chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài cũng như những khó khăn nảy sinh từ bên trong.
 

Kinh tế châu Á sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2012

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà Kinh tế" (The Economist) của Anh vừa đưa ra nhận định rằng năm 2012 là một năm đầy thách thức đối với các nền kinh tế châu Á. Theo cơ quan phân tích EIU đầy uy tín thì châu Á sẽ phải đối mặt với 6 vấn đề, đồng thời cũng là 6 thách thức lớn đối với kinh tế châu lục năm nay.

Trong số đó, thách thức đầu tiên là tác động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại do chưa thể hồi phục sau cơn suy thoái nặng nề. Diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tốc độ hồi phục ì ạch của Mỹ - hai thị trường xuất khẩu và đối tác làm ăn lớn nhất của châu Á - sẽ khiến cho châu lục này rất khó đạt được mức tăng trưởng 6,4% trong năm 2012 như dự báo trước đây.

EIU cho rằng nếu kinh tế toàn cầu rơi trở lại vào suy thoái, châu Á sẽ còn chịu tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bởi khi đó, nhiều nước có thể tung ra các biện pháp kích thích tài chính - tiền tệ và điều này sẽ càng khiến tình trạng mất cân bằng kinh tế ở châu Á gia tăng, tạo ra những bất ổn vĩ mô đáng lo ngại.

Hai thách thức tiếp theo cùng đến từ Trung Quốc. EIU cho rằng triển vọng kinh tế của châu Á trong năm 2012 phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới này nhiều khả năng sẽ thực hiện các biện pháp nhằm kích thích kinh tế và bù vào những tổn thất do xuất khẩu giảm, song không dám mạnh tay do lo ngại lạm phát và giá cả tăng cao.

Hiện mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2012 là 8,2%, thấp hơn khá nhiều mức tăng trưởng khoảng 9,5% của năm 2011. Trong khi đó, việc chuyển giao thế hệ tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm nay được cho là có thể tác động tới nền kinh tế nước này.

Theo nhìn nhận của EIU, tình hình ổn định trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên cầm quyền sau khi cha ông qua đời đột ngột cuối năm 2011 cũng là nhân tố quan trọng tác động tới kinh tế châu Á. Bởi tại khu vực Đông Bắc Á có các nền kinh tế hàng đầu của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nền kinh tế châu Á còn chịu tác động không nhỏ từ diễn biến hoà bình và ổn định tại châu lục này. Những tranh chấp chủ quyền trên biển giữa các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á cũng như giữa Trung Quốc với các nước ASEAN ở Biển Đông, đều ít nhiều tác động tới môi trường làm ăn buôn bán.

Thách thức cuối cùng đối với châu Á trong năm 2012, theo nhìn nhận của EIU, là các cuộc tổng tuyển cử ở châu Á như bầu cử Tổng thống ở Hàn Quốc, bầu Quốc hội ở Malaysia...  Sự suôn sẻ, êm thấm của các cuộc bầu cử này sẽ tác động tới kinh tế các quốc gia này, qua đó tác động phần nào tới nền kinh tế của cả châu Á.