Năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn

ANTD.VN - Chiều 19-6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Nghị quyết được Quốc hội phê duyệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (sau đây gọi tắt là chương trình) chia làm hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Chương trình góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng dân tộc thiểu số với bình quân chung của cả nước

Mục tiêu chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Về kinh phí thực hiện chương trình, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 137.664 tỷ đồng. Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021-2025, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Chương trình thực hiện trên nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; 

Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện phương châm: “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.

Nghị quyết giao Chính phủ tổ chức tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 21 chương trình mục tiêu đang thực hiện, trên cơ sở đó xác định nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể triển khai thực hiện chương trình, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chương trình;

Giao HĐND và UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương phù hợp, cùng với ngân sách trung ương và huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện xhương trình. Hằng năm, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình.