Năm 2019: Nhiều phương thức xét tuyển đại học, tăng cơ hội thí sinh trúng tuyển

ANTD.VN - Những thông tin mới nhất về phương thức tuyển sinh đại học năm 2019 vừa được hàng loạt trường công bố. Theo đó, phương thức tuyển sinh năm nay không chỉ có 1 hoặc 2 loại hình xét tuyển như các năm trước.

Năm 2019: Nhiều phương thức xét tuyển đại học, tăng cơ hội thí sinh trúng tuyển ảnh 1

Tuyển sinh đại học 2019 sẽ có nhiều điều chỉnh 

4 phương án xét tuyển vào đại học tốp đầu

Ngày 4-1, trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2019 với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.850. Trong đó, tại cơ sở Hà Nội là 2.750, cơ sở II - TP.HCM là 950 và cơ sở Quảng Ninh là 150.

Trong năm 2019, trường dự kiến phát triển thêm các chương trình tiên tiến và chất lượng cao thuộc các ngành đào tạo theo chiến lược định vị sản phẩm đào tạo theo 3 cấp: Chương trình tiêu chuẩn, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến. Bởi vậy, Đại học Ngoại thương sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.

Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT dự kiến sẽ được Đại học Ngoại thương triển khai vào tháng 5-2019, ngay sau khi các thí sinh kết thúc chương trình học THPT. Các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển này nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia các phương thức xét tuyển còn lại.

Phương thức này áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thuộc nhóm ngành ngôn ngữ (Anh, Nhật, Trung, Pháp) và chuyên ngành ngôn ngữ thương mại. Chỉ học sinh các lớp chuyên của trường chuyên, có điểm trung bình học tập chung 3 năm THPT từ 8 trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt yêu cầu của trường đề ra và một số tiêu chuẩn điểm học tập, hạnh kiểm mới đủ điều kiện xét tuyển.

“Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công bằng trong tuyển sinh; phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm. Xây dựng chức năng công khai cơ sở dữ liệu tuyển sinh, sinh viên nhập học. Rà soát, hoàn thiện các phần mềm xét tuyển, cơ sở dữ liệu tuyển sinh: thống nhất cơ sở dữ liệu và kết nối giữa các phần mềm. Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở dữ liệu chính sách về ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng. Tăng cường tuyên truyền, chọn ngành, hướng nghiệp; thí sinh biết rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia xét tuyển”.

Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia được Đại học Ngoại thương áp dụng đối với các chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh, dự kiến triển khai vào tháng 7-2019, ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và trước khi thực hiện phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi.

Các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển kết hợp nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019.

Với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, trường dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển D01 cho ngành ngôn ngữ Pháp, chuyên ngành tiếng Pháp thương mại.

Cùng với đó, năm 2019, ĐHQG Hà Nội xét tuyển các đối tượng, thí sinh có kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019; Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60). 

Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi). 

Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).

Trong khi đó, mặc dù có nhiều phương thức xét tuyển nhưng ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn duy trì cách xét tuyển truyền thống. Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, về cơ bản, trường vẫn giữ ổn định tuyển sinh 2019 như năm 2018 là dựa vào kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Dù có nhiều phương án khác nhưng để thí sinh và gia đình ổn định tâm lý, nhà trường quyết định tiếp tục xét tuyển như năm trước và không xét học bạ.

Cụ thể, trong năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên.

Dự kiến 6 điều chỉnh tuyển sinh đại học

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra 6 điểm dự kiến sẽ điều chỉnh trong kỳ xét tuyển ĐH 2019. Theo đó, Bộ yêu cầu các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển. Để xét tuyển năm học 2019, các trường phải cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.

Với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề: Căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển; xét tuyển học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh đã xác định nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác/đợt tiếp theo. Riêng với quân nhân dự thi nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ  Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công bằng trong tuyển sinh; phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm. Xây dựng chức năng công khai cơ sở dữ liệu tuyển sinh, sinh viên nhập học. Rà soát, hoàn thiện các phần mềm xét tuyển, cơ sở dữ liệu tuyển sinh: thống nhất cơ sở dữ liệu và kết nối giữa các phần mềm. Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở dữ liệu chính sách về ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng. Tăng cường tuyên truyền, chọn ngành, hướng nghiệp; thí sinh biết rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia xét tuyển.

Với các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT xác định cần tự chủ xác định chỉ tiêu theo quy định; công khai đề án tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng, danh sách trúng tuyển, nhập học. Đồng thời, đảm bảo chất lượng đầu vào; kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra; thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm (nếu có). Phối hợp chặt chẽ với các địa phương được phân công trong việc tổ chức thi THPT quốc gia. Thống nhất định hướng chỉ đạo công tác thi, tuyển sinh của Bộ.

Nâng cấp thi THPT quốc gia 2018, trường đại học yên tâm tuyển sinh

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, năm 2019, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ có 4 điều chỉnh lớn. Cụ thể, đề thi năm 2019 có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT chủ yếu lớp 12, bảo đảm khối lượng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa hợp lý để giúp các cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ tuyển sinh.

Bộ tăng cường vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ địa phương không tổ chức thi ở địa phương mình. Tăng cường vai trò của cán bộ đến từ các trường ĐH trong các khâu tổ chức thi, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Đặc biệt năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chấm các bài thi trắc nghiệm.

Năm 2019, Bộ sẽ đồng bộ trong toàn hệ thống việc niêm phong túi đựng bài thi để ngăn ngừa gian lận, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình lưu trữ; Sử dụng camera giám sát các phòng lưu trữ đề thi, bài thi và các phòng chấm thi 24/24 giờ; Phần mềm chấm thi sẽ được Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh theo hướng mã hóa dữ liệu chấm thi và tiến hành đánh phách điện tử các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

Năm 2019, Bộ dự kiến điều chỉnh tỉ lệ điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp sẽ tăng lên, dự kiến chiếm 70%, điểm học tập lớp 12 sẽ là 30%. Trên cơ sở này, nhiều trường ĐH công bố phương án tuyển sinh 2019 trong đó có căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia cùng các phương án xét tuyển khác.

4 điều chỉnh lớn trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019

• Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình cấp THPT lớp 12, có độ phân hóa hợp lý.

• Tăng cường vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức thi. 

• Áp dụng giải pháp, công nghệ mới để ngăn ngừa gian lận, tiêu cực. 

• Tăng tỉ lệ điểm thi để xét tốt nghiệp lên khoảng 70%, điểm học tập lớp 12 sẽ là 30%.